Eurozone kêu gọi Đức, Hà Lan tăng chi tiêu để kích thích tăng trưởng

Đức và Hà Lan đang thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại hai nước.
Biểu tượng đồng euro. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ủng hộ lời kêu gọi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng trước, nhiều quan chức Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 9/10 kêu gọi Đức và Hà Lan (hai quốc gia thành viên có thặng dư ngân sách) cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng như toàn khu vực Eurozone.

Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính của Đức và Hà Lan đều khẳng định, chính quyền Berlin và Amsterdam đã và đang thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại hai nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone đang chậm lại khi Đức - nền kinh tế đầu tàu của khu vực - đang đứng trước nguy cơ suy giảm và giữ lạm phát không tăng. ECB đã kêu gọi các thành viên cần có những chính sách kích thích kinh tế, song các nền kinh tế Eurozone không có một chính sách hành động phối hợp chung nào.

Các quan chức hàng đầu Eurozone đã gây áp lực buộc Đức và Hà Lan sử dụng “không gian tài chính” (thuật ngữ chỉ tài chính công) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này cũng như của toàn khu vực sử dụng đồng tiền chung. Ủy viên Kinh tế và Tài chính Châu Âu Pierre Moscovici nhấn mạnh, Đức và Hà Lan cần phải hiểu rằng việc tăng cường đầu tư là vì lợi ích quốc gia của họ cũng như lợi ích cho “lục địa già”.

Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ các bộ trưởng tài chính Eurozone ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết nước này đang thực hiện một “chính sách tài chính rất to lớn”, có thể xem là khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Đức đang thúc đẩy nhiều biện pháp chống biến đổi khí hậu khi thông báo sẽ chi 150 tỷ euro cho dự án chống biến đổi khí hậu trong vòng 10 năm tới.

[Đức: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có khả năng đối phó với khủng hoảng]

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra cũng “gạt bỏ” áp lực yêu cầu nước này phải chi tiêu công nhiều hơn, do chính quyền Amsterdam cũng đã có nhiều khoản chi tiêu ngân sách lớn để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ cấu của nền kinh tế.

Cũng tại cuộc họp trên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính châu Âu lưu ý nền kinh tế khu vực đồng euro đang tăng trưởng chậm lại, do đó cần có các chính sách tài chính kích thích tài khóa, hoặc khu vực sẽ phải đối mặt với một thời gian dài tăng trưởng thấp.

Hồi tháng 9/2019, Đức đã phải chịu những áp lực mới về tăng chi tiêu công và giúp phục hồi nền kinh tế, một ngày sau khi ECB cảnh báo Berlin đã chạm đến giới hạn khả năng ngăn ngừa suy thoái. Trước đó một ngày, để tránh nguy cơ suy thoái, Hội đồng thống đốc ECB đã nhất trí thông qua một gói biện pháp nới lỏng tiền tệ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế Eurozone vượt qua các cú sốc từ bên ngoài.

Cụ thể, ECB quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỷ lục mới -0,5%, đồng thời tái khởi động chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro/tháng kể từ tháng 11/2019 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Eurozone và ngăn chặn những dự đoán đầy quan ngại về lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục