Các nhà lãnh đạo bốn nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng euro (Eurozone) là Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ nhóm họp ngày 22/6 tại Rome (Italy) để tìm kiếm tiếng nói chung trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa nhấn chìm cả Tây Ban Nha và Italy.
Trong khi Pháp hy vọng về "sự đóng góp 4 chiều" cho việc đẩy lùi cuộc khủng hoảng, Italy không cho rằng cuộc gặp sắp tới sẽ đưa ra được các giải pháp cụ thể.
Các nước Eurozone mới đây đã nhất trí dành cho Tây Ban Nha 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để nước này trợ cứu hệ thống ngân hàng, trong khi chiến thắng của các đảng ủng hộ các biện pháp khắc khổ trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp đã tạm thời đẩy lùi nguy cơ rời Eurozone của nước này.
Tuy nhiên, những điều này đã không giúp xoa dịu được mối lo ngại trên các thị trường, khi lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha và Italy vọt lên tới mức nguy hiểm.
Các nhà lãnh đạo châu Âu lại bị đặt dưới sức ép mạnh mẽ trong việc phải hành động để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng.
Mặc dù Tây Ban Nha đã có được khoản tiền cứu trợ từ Eurozone, song có những lo ngại rằng nước này sẽ cần tới một gói cứu trợ đầy đủ. Điều này dẫn tới khả năng cuộc khủng hoảng cuối cùng có thể sẽ gõ cửa cả Italy.
Trong khi các nhà lãnh đạo đang chuẩn bị các chiến lược ngăn chặn nguy cơ lây lan, các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ có cuộc gặp tại Luxembourg vào ngày 21/6 để điều chỉnh các chi tiết của gói cứu trợ Tây Ban Nha theo hướng có thể giảm bớt sự căng thẳng trên các thị trường.
Theo Thủ tướng Italy Mario Monti, các quyết định về vấn đề của châu Âu sẽ được đưa ra trong vài ngày tới, với những biện pháp can thiệp cụ thể.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết sẽ tăng cường hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng và khôi phục tăng trưởng.
Việc bảo hiểm tiền gửi cũng như cho phép đóng cửa các ngân hàng phá sản được coi như cách để thúc đẩy dòng chảy tiền mặt trong hệ thống tài chính và tăng lòng tin đối với việc cho vay.
Trong vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, Đức đã nhượng bộ hơn khi cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các biện pháp khắc khổ và chi tiêu kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, giữa các nước vẫn có những khác biệt, khi Đức kêu gọi về những cải cách cơ cấu để tăng khả năng cạnh tranh và vẫn phản đối việc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu bơm tiền mặt cho hay phát hành trái phiếu euro, trong khi Pháp và Italy cho rằng một loại trái phiếu như vậy là giải pháp cần thiết cần tiến hành ngay./.
Trong khi Pháp hy vọng về "sự đóng góp 4 chiều" cho việc đẩy lùi cuộc khủng hoảng, Italy không cho rằng cuộc gặp sắp tới sẽ đưa ra được các giải pháp cụ thể.
Các nước Eurozone mới đây đã nhất trí dành cho Tây Ban Nha 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để nước này trợ cứu hệ thống ngân hàng, trong khi chiến thắng của các đảng ủng hộ các biện pháp khắc khổ trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp đã tạm thời đẩy lùi nguy cơ rời Eurozone của nước này.
Tuy nhiên, những điều này đã không giúp xoa dịu được mối lo ngại trên các thị trường, khi lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha và Italy vọt lên tới mức nguy hiểm.
Các nhà lãnh đạo châu Âu lại bị đặt dưới sức ép mạnh mẽ trong việc phải hành động để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng.
Mặc dù Tây Ban Nha đã có được khoản tiền cứu trợ từ Eurozone, song có những lo ngại rằng nước này sẽ cần tới một gói cứu trợ đầy đủ. Điều này dẫn tới khả năng cuộc khủng hoảng cuối cùng có thể sẽ gõ cửa cả Italy.
Trong khi các nhà lãnh đạo đang chuẩn bị các chiến lược ngăn chặn nguy cơ lây lan, các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ có cuộc gặp tại Luxembourg vào ngày 21/6 để điều chỉnh các chi tiết của gói cứu trợ Tây Ban Nha theo hướng có thể giảm bớt sự căng thẳng trên các thị trường.
Theo Thủ tướng Italy Mario Monti, các quyết định về vấn đề của châu Âu sẽ được đưa ra trong vài ngày tới, với những biện pháp can thiệp cụ thể.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết sẽ tăng cường hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng và khôi phục tăng trưởng.
Việc bảo hiểm tiền gửi cũng như cho phép đóng cửa các ngân hàng phá sản được coi như cách để thúc đẩy dòng chảy tiền mặt trong hệ thống tài chính và tăng lòng tin đối với việc cho vay.
Trong vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, Đức đã nhượng bộ hơn khi cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các biện pháp khắc khổ và chi tiêu kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, giữa các nước vẫn có những khác biệt, khi Đức kêu gọi về những cải cách cơ cấu để tăng khả năng cạnh tranh và vẫn phản đối việc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu bơm tiền mặt cho hay phát hành trái phiếu euro, trong khi Pháp và Italy cho rằng một loại trái phiếu như vậy là giải pháp cần thiết cần tiến hành ngay./.
Lê Minh (TTXVN)