Nền kinh tế các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn duy trì đà phục hồi mạnh mẽ sau những tác động của đại dịch COVID-19, với tăng trưởng kinh tế trong quý 3 năm 2021 đạt mức 2,2%, tăng nhẹ so với dự báo.
Tuy nhiên, lạm phát của Eurozone trong tháng 10 tăng mạnh, cao hơn tới 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là mức cao kỷ lục trong 13 năm qua, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong bối cảnh giá năng lượng tăng 23,5%. Giới phân tích cho rằng lạm phát tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Cùng ngày, Pháp thông báo mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3 năm 2021. Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua đạt mức 3,0%, tăng mạnh so với mức 1,3% trong quý trước đó, cao hơn so với dự báo 2,7% mà cơ quan thống kê quốc gia của Pháp INSEE đưa ra trước đó.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp khẳng định dữ liệu GDP trong quý 3 năm 2021 vượt mong đợi, đồng thời coi đây là thành tích đặc biệt.
Theo INSEE, trong bối cảnh du lịch và nghỉ dưỡng mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa do dịch COVID-19, chi tiêu tiêu dùng của người dân Pháp đã tăng tới 5%. Kim ngạch xuất khẩu của Pháp trong quý 3 năm 2021 tăng thêm 2,3%, trong khi nhập khẩu giảm nhẹ, ở mức 0,1%.
Cũng trong ngày 29/10, phóng viên TTXVN tại Rome dẫn dữ liệu sơ bộ, do Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố, cho biết kinh tế của nước này trong quý 3 năm 2021 đã tăng trưởng 2,6% so với quý trước, cao hơn so với dự kiến.
[ECB vẫn duy trì chính sách kích thích kinh tế bất chấp lạm phát tăng]
Điều này cho thấy kinh tế Italy vẫn đang duy trì đà phục hồi vững chắc sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo ISTAT, GDP của Italy trong quý 3 năm 2021 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu nội địa mạnh mẽ và xuất khẩu đều góp phần vào mức tăng GDP hàng quý trong quý 3.
Kinh tế Italy bắt đầu tăng tốc kể từ đầu năm 2021, khi chính phủ nước này dần dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và việc đi lại của người dân do số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 giảm mạnh.
Số liệu chính thức của ISTAT xác nhận mức tăng trưởng GDP của nước này trong quý 2 năm 2021 là 2,7% so với quý 1 và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Chính phủ Italy chính thức dự báo GDP của nước này sẽ tăng trưởng 6% hoặc cao hơn trong năm 2021.
Trong khi đó, cơ quan thống kê liên bang Destatis của Đức thông báo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong quý 3 năm 2021 chỉ đạt 1,8%, thấp hơn so với mức dự báo 2,2% được giới phân tích đưa ra trước đó, trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn và thiếu nguyên liệu.
Tuy nhiên, Destatis cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục diễn ra trong mùa Hè, chủ yếu nhờ chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng điều chỉnh tăng trưởng GDP trong quý 2 lên 1,9%.
Giới phân tích cho rằng sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô, trong đó có nhựa, kim loại và giấy, đã cản trở sự phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19.
Do đó, ngày 27/10, chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2021 từ mức 3,5% trước đó xuống còn 2,6%.
Berlin cho rằng phục hồi kinh tế có thể được thúc đẩy trong năm 2022, với mức tăng trưởng dự báo đạt 4,1%, cao hơn 0,5% so với dự báo trước đó./.