Hội nghị thượng đỉnh Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bàn về tình hình Hy Lạp đã kết thúc lúc 4 giờ sáng 8/7 (giờ Hà Nội) nhưng không đạt được kết quả cụ thể bởi Thủ tướng Alexis Tsipras không đưa ra những đề xuất theo yêu cầu.
Các nhà lãnh đạo Eurozone nhất trí sẽ thảo luận về gói cứu trợ thứ ba cho Athens khi các đề xuất mới của Chính phủ Hy Lạp được chấp thuận.
Phát biểu sau hội nghị trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo lãnh đạo 28 nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 12/7 tới để tiến hành cuộc thảo luận mang tính quyết định cho vấn đề nợ của Hy Lạp, trong đó Athens phải đưa ra chi tiết kế hoạch cải cách của nước này trước ngày 9/7.
Theo nhà lãnh đạo Đức, đây chính là điều kiện để có thể khởi động đàm phán về một chương trình cứu trợ thứ ba cho Athens.
Bà Merkel cũng cho biết khi có kế hoạch cải cách, chương trình cứu trợ thứ ba trong khuôn khổ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) này còn phải được Quốc hội Đức thông qua để có thể bắt đầu tiến trình đàm phán.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cho biết nếu Hy Lạp đưa ra các đề xuất thỏa đáng và có hành động ưu tiên để thực thi các biện pháp đầu tiên thì bà có thể chắc chắn về một khoản tài chính ngắn hạn đáp ứng các nhu cầu chi tiêu trước mắt của Athens.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho biết kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Eurozone là quyết định chờ đợi cho tới khi Chính phủ Hy Lạp đưa ra đề xuất mới, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay chính là vấn đề Hy Lạp.
Thủ tướng Italy cũng xác nhận EU sẽ tiến hành một hội nghị thượng đỉnh mang tính quyết định về vấn đề Hy Lạp vào cuối tuần này và bày tỏ tin tưởng có thể đạt được một giải pháp cuối cùng.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết, trong trường hợp không thể đạt được một thoả thuận, các đối tác Eurozone phải chuẩn bị triển khai “kế hoạch B” về vấn đề Hy Lạp.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel thì cho rằng châu Âu chờ đợi những đề xuất cụ thể và thuyết phục của Thủ tướng Tsipras với nghĩa vụ và trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ. Để đạt được thỏa thuận phải có nỗ lực từ hai phía bởi không có phản ứng từ phía Hy Lạp, tình trạng này có nguy cơ lan truyền sang nhiều quốc gia châu Âu khác.
Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh: “Nếu không có gì trên bàn, đó là bởi Thủ tướng Hy Lạp không biết đưa ra quyết định đáp ứng nguyện vọng của người dân ở lại khu vực đồng euro.”
Còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng giải pháp duy nhất cho Hy Lạp là tập trung sâu vào cải cách và áp dụng những biện pháp khắc khổ.
Trước đó, phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định mục tiêu là giữ Hy Lạp ở lại Eurozone, song Athens cần phải khẩn trương đưa ra các đề xuất nghiêm túc và đáng tin cậy bởi quyết định sẽ phải được đưa ra trong tuần này.
Về phần mình, phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng khẳng định quyết tâm của ông với sự ủy quyền của người dân giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của nước này.
Ông Tsipras cho biết Hội nghị thượng đỉnh Eurozone ở Brussels đã diễn ra “tích cực,“ nhấn mạnh rằng một thoả thuận giữa Athens và các chủ nợ, phải phù hợp về mặt xã hội và chấp nhận được về kinh tế, sẽ được hoàn tất tới cuối tuần này.
Về phía EU, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker một mặt phản đối việc để Hy Lạp rời khỏi Eurozone, song cảnh báo châu Âu đã có “kịch bản chi tiết cho khả năng Grexit.”
Ông cũng cho biết khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục có hành động can thiệp với các ngân hàng Hy Lạp hoàn toàn phụ thuộc vào các đề xuất mới của Athens. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đưa ra thời hạn chót để giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Ông nhấn mạnh “thời hạn cuối cùng để giải quyết vấn đề Hy Lạp sẽ kết thúc vào cuối tuần này.”
Tại Hy Lạp, các nguồn thạo tin cho biết các ngân hàng của nước này sẽ cạn tiền mặt trong 2-3 ngày nữa nếu các chủ nợ quốc tế không thể nhất trí việc tiếp tục hỗ trợ cho quốc gia đang ngập trong nợ này.
Một quan chức giấu tên trong Bộ Tài chính Hy Lạp cũng cho biết, các máy rút tiền tự động ở Hy Lạp có thể bắt đầu cạn tiền từ 8/7.
Hiện các ngân hàng ở Hy Lạp vẫn đóng cửa và việc chuyển tiền ra nước ngoài bị phong toả, trong khi người dân nước này chỉ có thể rút tối đa 60 euro/người/ngày./.