Eurozone chủ trương không siết chặt chi tiêu để bảo vệ đà phục hồi

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 16/3, bộ trưởng tài chính 19 nước Eurozone nhất trí cho rằng việc giảm chi tiêu quá sớm có thể kiềm chế khả năng phục hồi kinh tế.
Eurozone chủ trương không siết chặt chi tiêu để bảo vệ đà phục hồi ảnh 1Một cửa hàng bán lẻ tại Paris, Pháp. (Nguồn: AFP)

Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng Euro (Eurozone) chủ trương sẽ không siết chặt chi tiêu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp diễn tại châu lục này, đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các nước trong khu vực là giải quyết vấn đề nợ công tăng cao.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 16/3, bộ trưởng tài chính 19 nước Eurozone nhất trí cho rằng việc giảm chi tiêu quá sớm có thể kiềm chế khả năng phục hồi kinh tế.

Người đứng đầu Eurogroup, kiêm Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho rằng các nước cần đoàn kết và hợp tác trong nỗ lực chung bảo vệ thị trường việc làm, doanh nghiệp và công dân trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

[Kinh tế khu vực châu Âu ít nguy cơ rủi ro hơn so với kinh tế Mỹ]

Giống như nhiều nơi trên thế giới, châu Âu đang trải qua thời kỳ suy thoái lịch sử do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Châu lục này cũng đang nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng vốn gặp nhiều khó khăn do hạn chế nguồn cung.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Eurogroup tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ kinh tế của các nước bằng sự hỗ trợ tài chính ở mức cần thiết.

Chủ trương duy trì chi tiêu của các bộ trưởng Eurozone là đối sách kinh tế trái ngược trong bối cảnh khu vực châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Đức, nền kinh tế "đầu tầu" châu Âu, cho rằng cần có sự thống nhất giữa các nước trong Eurozone về vấn đề cân bằng ngân sách. Bộ trưởng các nước cũng nhấn mạnh ngay khi đà phục hồi kinh tế được đảm bảo, các nước thành viên trong khu vực cần giải quyết vấn đề nợ công tăng cao.

Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone cũng lưu ý đến khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tạm dừng thực hiện các quy định về bội chi cho đến cuối năm 2022. Theo đó, các nước thành viên sẽ được tự do đưa ra các gói cứu trợ kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp "sống sót" trong đại dịch mà không cần lo ngại đến việc phải gánh chịu trừng phạt của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục