Trong năm 2018, châu Âu đã trở nên an toàn hơn trước nguy cơ tấn công khủng bố so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thành lập cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" vào năm 2014.
Tuy nhiên, việc nhiều vụ tấn công bất thành bị phát giác, trong đó có âm mưu sử dụng chất độc hóa học, cho thấy mối đe dọa khủng bố vẫn hiện hữu.
Trong báo cáo công bố ngày 27/6, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết trong năm vừa qua, 13 người đã thiệt mạng và 46 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của các tay súng thánh chiến trên khắp châu Âu.
Đây là số thương vong thấp nhất kể từ năm 2014 khi IS tràn vào kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria đồng thời tiến hành chiến dịch tấn công gây thương vong lớn ở châu Âu.
Trong những năm qua, các tay súng thánh chiến đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công ở châu Âu khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, trong đó phải kể đến các vụ tấn công quy mô lớn ở các thành phố như Manchester (Anh), Nice (Pháp), Brussels (Bỉ) và Paris (Pháp).
[IS nhận gây ra vụ tấn công bằng dao gần dinh Tổng thống Chechnya]
Theo Europol, tất cả các vụ tấn công trong năm ngoái ở châu Âu là do "những con sói đơn độc" thực hiện bằng súng và dao. Các vụ tấn công từ trong nước như vậy ít gây thương vong hơn so với các vụ tấn công của các tay súng IS, nhưng rất khó bị phát hiện và ngăn chặn.
Cơ quan thực thi pháp luật châu Âu đã đập tan 16 âm mưu tấn công khủng bố, một dấu hiệu cho thấy mặc dù IS có thể đã không còn nắm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ nhưng hệ tư tưởng và cách tiếp cận trên Internet của nhóm này vẫn là một mối đe dọa.
Theo báo cáo trên, số công dân châu Âu từng gia nhập IS tìm đường hồi hương từ các khu vực xung đột vẫn còn ít do có hàng trăm người đang bị bắt giữ ở Syria và bị lực lượng người Kurrd do Mỹ hậu thuẫn giam giữ. Tuy nhiên, IS vẫn duy trì sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng Internet.
Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề an ninh Julien King, báo cáo của Europol cho thấy khủng bố vẫn đặt ra mối nguy hiểm thực sự và hiện hữu cho các nước Liên minh châu Âu (EU)./.