Euro giảm giá tại thị trường châu Á do bất ổn chính trị ở Hy Lạp

Tại thị trường châu Á, đồng euro vẫn chật vật giao dịch ở mức thấp nhất trong hơn hai năm qua so với đồng bạc xanh, do khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp.
Euro giảm giá tại thị trường châu Á do bất ổn chính trị ở Hy Lạp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trong phiên giao dịch gần kết thúc năm 2014 tại thị trường châu Á, đồng euro vẫn chật vật giao dịch ở mức thấp nhất trong hơn hai năm qua so với đồng bạc xanh, do khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp làm dấy lên những lo ngại trong các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).

Tại thị trường Tokyo, đồng euro giảm từ 1,2153 USD/euro tại New York trong phiên trước xuống còn 1,2139 USD/euro. Đồng euro cũng có thời điểm tụt xuống còn 1,2131 USD/euro – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2012. Euro giảm từ 146,65 yen/euro xuống 146,19 yen/euro trong khi đồng bạc xanh cũng giảm từ 120,66 yen/USD xuống 120,41 yen/USD.

Thủ tướng Antonis Samaras ngày 29/12 đã kêu gọi một cuộc bầu cử Quốc hội sớm trong ngày 25/1 tới sau khi Quốc hội Hy Lạp không bầu được Tổng thống vòng ba.

Cuộc bầu cử sắp tới có khả năng sẽ “khuấy đảo” các thị trường tại chính toàn cầu sau khi tình hình tài chính của Hy Lạp vốn đã làm Eurozone điêu đứng trong suốt giai đoạn 2010 – 2012.

Quyết định tổ chức cuộc bầu cử vào đầu năm tới làm dấy lên quan ngại rằng liên minh cầm quyền cánh tả Syriza có thể sẽ giành thắng lợi và tái thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ do yêu cầu của chương trình cứu trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) đề ra, "góp phần" làm trầm trọng thêm nền kinh tế vốn đã “không khỏe mạnh” của Hy Lạp.

Giới đầu tư hiện cũng đang dõi theo loạt dữ liệu kinh tế được công bố trong tuần này, bao gồm chỉ số trong lĩnh vực chế tạo của Chicago (Mỹ) dự kiến công bố ngày mai 31/12, cũng như các số liệu sản xuất của Trung Quốc và Eurozone.

Trong cùng phiên giao dịch, đồng USD đi lên so với đồng SGD của Singapore, baht của Thái Lan, đồng rupee của Ấn Độ và đồng đồng won của Hàn Quốc, song giảm giá so với đồng TWD của Đài Loan, peso của Philippines và đồng rupiah của Indonesia.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục