EU yêu cầu TikTok tuân thủ đầy đủ luật bảo mật dữ liệu

TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở ở Trung Quốc, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới nhưng đang phải đối mặt với sự phản đối ở châu Âu và Mỹ.
Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/1, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu TikTok tuân thủ các quy định của khối và đảm bảo an toàn cho dữ liệu của người dùng ở châu Âu, khi giám đốc điều hành của ứng dụng chia sẻ video ngắn này gặp gỡ các quan chức cấp cao EU ở Brussels (Bỉ).

Giám đốc điều hành TikTok, Shou Zi Chew, đã lần đầu tiên có cuộc gặp chính thức với các phó chủ tịch EU Margrethe Vestager và Vera Jourova, Ủy viên phụ trách nội vụ Ylva Johansson và Ủy viên phụ trách tư pháp Didier Reynders, trong bối cảnh TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng gay gắt ở châu Âu và Mỹ trong những tháng gần đây.

Chia sẻ trên trang mạng Twitter về cuộc họp, Phó Chủ tịch EU Vera Jourova khẳng định dữ liệu của người dùng ở châu Âu an toàn và không bị truy cập bất hợp pháp.

[Thêm 2 bang của Mỹ cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ]

Tuy nhiên, bà cho biết EU vẫn kêu gọi TikTok thực hiện đầy đủ các cam kết của mình để tuân thủ hơn nữa luật pháp EU.

Trong khi đó, Ủy viên EU phụ trách tư pháp Didier Reynders nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của châu Âu.

Bà cũng cho biết EU sẽ đẩy mạnh ngăn chặn thông tin giả mạo và TikTok sẽ phải công bố báo cáo về vấn đề này vào cuối tháng 1 này.

Về phần mình, ông Shou Zi Chew cho biết TikTok đang nỗ lực bảo vệ dữ liệu người dùng châu Âu thông qua một hệ thống bảo mật mạnh mẽ.

TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở ở Trung Quốc, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới nhưng đang phải đối mặt với sự phản đối ở châu Âu và Mỹ do lo ngại về rủi ro bảo mật đối với dữ liệu người dùng.

Tháng 11 năm ngoái, TikTok thừa nhận dữ liệu cá nhân của một số người dùng ở châu Âu có thể bị rò rỉ.

Các công ty truyền thông xã hội thường thu thập rất nhiều dữ liệu về thói quen sử dụng mạng của các cá nhân, sau đó sử dụng dữ liệu này để bán quảng cáo hướng tới đúng đối tượng mục tiêu.

Năm 2018, Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của châu Âu chính thức có hiệu lực, quy định tất cả các công ty phải nêu chi tiết lý do thu thập dữ liệu, điều mà các nền tảng truyền thông xã hội luôn phải chật vật để đáp ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục