EU yêu cầu các công ty công nghệ chống thông tin sai lệch mạnh hơn

EU yêu cầu Facebook, YouTube và TikTok phải tăng cường chống các thông tin sai lệch và xây dựng các thuật toán an toàn hơn để ngăn chặn các quyền truy cập bất hợp pháp.
Biểu tượng của ứng dụng chia sẻ video Tik Tok trên màn hình điện thoại thông minh ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/5, Liên minh châu Âu (EU) đã giao nhiệm vụ cho những "gã khổng lồ" công nghệ như Facebook, YouTube và TikTok phải tăng cường chống các thông tin sai lệch và xây dựng các thuật toán an toàn hơn để ngăn chặn các quyền truy cập bất hợp pháp, cũng như tăng cường kiểm tra thực tế.

Đề xuất này là nỗ lực của EU nhằm tăng cường các biện pháp hiện có để chống thông tin sai lệch, đã được đưa ra vào năm 2018 sau những tiết lộ rằng các nền tảng công nghệ trên đã tạo điều kiện và khuếch đại thông tin sai lệch về cuộc bỏ phiếu Brexit và các cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.

[COVID-19: Singapore yêu cầu Facebook, Twitter cải chính thông tin sai]

Đề xuất này đã được ký kết bởi Google, Facebook, Twitter, Microsoft và vào tháng 6/2020 có thêm sự đồng lòng của TikTok, cũng như một số công ty lớn trong lĩnh vực quảng cáo.

Giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo EU hiện đang yêu cầu các bên ký kết để tiến xa hơn nữa trong các cam kết của họ về chống thông tin sai lệch.

EU cũng đang phát triển Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), dự kiến sẽ mang lại cho châu Âu quyền phạt các trang mạng xã hội như Facebook và những nền tảng số khác khi họ không thể hiện được hành động mạnh mẽ chống lại thông tin sai lệch.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Vera Jourova cho biết, quy tắc ứng xử chặt chẽ hơn và chi tiết hơn là cần thiết để loại bỏ "rủi ro hệ thống" trên các nền tảng.

Bà Jourova nói rằng, đã đến lúc các công ty công nghệ lớn ngừng tự thiết lập chính sách và ngừng cho phép kiếm tiền từ thông tin sai lệch ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục