EU xem xét tăng cường các biện pháp năng lượng trong những tuần tới

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết các nước thành viên đang tìm kiếm một thỏa thuận vào tháng 11 tới nhằm triển khai thêm các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với giá khí đốt cao.
EU xem xét tăng cường các biện pháp năng lượng trong những tuần tới ảnh 1Đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết các nước thành viên đang tìm kiếm một thỏa thuận vào tháng 11 tới nhằm triển khai thêm các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với giá khí đốt cao, song hiện vẫn đang bất đồng về hình thức của các biện pháp, cũng như việc liệu có nên áp giá trần với khí đốt không.

Trong bối cảnh EU chuẩn bị bước vào mùa Đông với nguồn cung khí đốt từ Nga khan hiếm và chi phí năng lượng cao, các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ nhóm họp tại Praha (Thụy Sĩ) vào ngày 12/10 tới nhằm thảo luận bước tiếp theo, sau loạt biện pháp khẩn cấp như giảm mức tiêu thụ điện vào giờ cao điểm và áp thuế khẩn cấp đối với lợi nhuận thu được của các công ty năng lượng.

Phần lớn các thành viên đều ủng hộ áp giá trần với khí đốt, song lại bất đồng về việc liệu có áp dụng với cả các giao dịch khí đốt, hợp đồng dài hạn, hay chỉ khí đốt được dùng để sản xuất điện. Một quan chức cấp cao EU cho rằng cuộc họp sắp tới cần thu hẹp các phương án để Ủy ban châu Âu (EC) có thể đưa ra đề xuất trong tháng này.

[Các nước thành viên EU bất đồng về kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga]

Dự kiến các Bộ trưởng cũng sẽ thảo luận việc mua chung khí đốt, khả năng đàm phán hạ giá thành với các nhà cung cấp khác ngoài Nga trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt giá năng lượng. CH Séc, quốc gia hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Năng lượng vào tháng 11 nhằm thông qua các đề xuất. Hiện có 3 quan chức EU đã nhất trí về lộ trình này nhưng lại bất đồng về lựa chọn các biện pháp.

Trước đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp giá trần với khí đốt dùng để sản xuất điện vào vào tháng 6, từ đó giúp hạ giá điện trong nước. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của các nước khác, dù vẫn còn lo ngại rằng sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt của EU, khi mức sử dụng khí đốt của Tây Ban Nha tăng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục