Đối mặt với sự cạnh tranh bởi kế hoạch đầu tư công nghệ xanh quy mô lớn của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng nới lỏng các quy tắc trợ cấp của họ và triển khai lại một loạt quỹ đầu tư “xanh."
Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 9-10/2 tại thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo khu vực này đã chứng tỏ sự chia rẽ về cách phản ứng với nhưng tổn thương tài chính lớn từ Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.
Các nước châu Âu lo ngại các khoản trợ cấp của Mỹ cho công nghệ sạch sẽ thu hút đầu tư xuyên Đại Tây Dương và phá hỏng các kế hoạch phục hồi của khối.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã chuẩn bị một phản hồi được đề xuất, nhưng các quốc gia thành viên vẫn chia rẽ về việc kế hoạch trên sẽ đi bao xa và làm thế nào để tài trợ cho chúng.
Kế hoạch của bà Von der Leyen sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của châu Âu đối với trợ cấp nhà nước, cho phép các quốc gia thành viên “bơm” trợ cấp hoặc giảm thuế cho các công ty của họ xây dựng nguồn năng lượng tái tạo và cắt giảm lượng khí thải carbon (CO2).
Nhưng một số nước thành viên lo ngại rằng điều này có thể dẫn ra "cuộc chiến trợ cấp" với Washington, hoặc làm suy yếu thị trường chung của chính họ, với những người chơi lớn như Pháp và Đức đã tăng cường viện trợ nhà nước của chính họ.
[Bộ trưởng Tài chính Mỹ ủng hộ ý tưởng của EU về trợ cấp xanh]
Lập trường chống trợ cấp của một số nước đã bớt "cứng rắn" phần nào, như một phần của phản ứng với đại dịch COVID-19. Những nước thuộc nhóm này như Italy, Áo, Đan Mạch và Phần Lan cũng đã phản đối việc coi trợ cấp “xanh” là vô nghĩa.
Tuy nhiên, Pháp và Đức không đồng ý về các kế hoạch tài trợ chung mới. Tại hội nghị mới nhất này, Pháp đã đứng về phía Italy và các nước khác trong việc thúc đẩy các quỹ đầu tư chung mới nhằm tập hợp đầu tư của châu Âu để thúc đẩy ngành công nghiệp và cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc.
Bà Von der Leyen đã cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch chi tiết trong vòng 5 tháng tới cho cái gọi là "Quỹ chủ quyền" để tài trợ cho việc đầu tư chung vào các doanh nghiệp chiến lược.
Nhưng các quốc gia thành viên đang tranh luận về việc liệu có nên đề cập đến ý tưởng sắp tới này trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh hay không.
Đức sẽ phản đối bất kỳ khoản vay chung nào để tài trợ cho quỹ. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ cùng với các nước đóng góp ròng khác cho các quỹ của EU, chẳng hạn như Thụy Điển hoặc Áo, phản đối việc tăng đóng góp của các thành viên EU để chi trả cho quỹ đó.
Điều này khiến nhiều người nhìn lại sơ bộ các quỹ hiện có của EU, chẳng hạn như NextGenerationEU trị giá 800 tỷ euro (860 tỷ USD). Một nhà ngoại giao cho rằng quỹ này nên được sử dụng hết trước khi tạo ra thứ gì đó mới.
Khoảng 250 tỷ euro từ quỹ NextGenerationEU có thể được chuyển sang tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp châu Âu. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, tập hợp các quỹ đầu tư khác của EU sẽ khiến khu vực này không còn bị bỏ xa so với mức trợ cấp “xanh” 370 tỷ USD mà Mỹ đã công bố./.