EU xác nhận nguồn cung khí đốt ở châu Âu vẫn ổn định

Ba Lan - nước Chủ tịch luân phiên EU - khẳng định tình hình cung cấp khí đốt vẫn ổn định khi tất cả các thành viên đều sử dụng kết hợp nguồn dự trữ mùa Đông và nhập khẩu từ nước thứ ba.
Nhà máy của Công ty hóa dầu Gazprom Neftekhim Salavat ở vùng Bashkortostan, Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ngày 2/1, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định nguồn cung khí đốt của các thành viên trong khối vẫn ổn định.

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga thông qua tuyến đường ống chạy qua Ukraine đến châu Âu đã bị dừng lại vào ngày đầu Năm mới 2025, do thỏa thuận trung chuyển hết hạn.

Trong tuyên bố, Ba Lan - nước Chủ tịch luân phiên EU - khẳng định tình hình vẫn ổn định khi tất cả các thành viên đều sử dụng kết hợp nguồn dự trữ mùa Đông và nhập khẩu từ nước thứ ba, giúp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Mặc dù đã có chuyển biến lớn trong xu hướng nhập khẩu, song giá khí đốt không tăng mạnh. Ủy ban châu Âu nhận định hiện có không có quan ngại nào về an ninh nguồn cung.

Tuy nhiên, theo Ba Lan, tình hình tại Moldova là đáng quan ngại, khi tất cả các nhà máy tại vùng Transnistria đã ngừng hoạt động.

Dự trữ khí đốt tại phía Bắc khu vực Transnistria chỉ còn đủ dùng cho 10 ngày.

Các công ty năng lượng địa phương cũng đã tạm dừng hệ thống sưởi và cung cấp nước nóng cho người dân.

Trước tình hình này, Ba Lan đã kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho Moldova.

Mặc dù khí đốt từ Nga chiếm chưa đến 10% nhu cầu nhập khẩu của EU trong năm 2023, song một số thành viên phía Đông khối vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu này.

Slovakia, quốc gia thành viên của EU, đang xem xét các biện pháp trả đũa Ukraine sau khi Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 2/1, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố Slovakia sẽ thảo luận về các biện pháp trả đũa Ukraine.

Cụ thể, đảng của ông sẽ cân nhắc ngừng cung cấp điện cho Ukraine, giảm trợ cấp cho người tị nạn Ukraine, yêu cầu Kiev nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt hoặc phải chấp nhận bồi thường tổn thất lên tới gần 500 triệu euro (513, 4 triệu USD) mà Slovakia phải chịu khi chấm dứt vận chuyển khí đốt của Nga.

Mặc dù Slovakia có nguồn cung khí đốt thay thế, nhưng nước này lo ngại sẽ mất đi nguồn thu nhập từ hoạt động vận chuyển và phải trả thêm phí để nhập khẩu khí đốt từ nguồn khác.

Thủ tướng Fico tin rằng hành động của Ukraine sẽ làm tăng giá điện và khí đốt tại châu Âu. Ông nêu rõ phái đoàn của Slovakia sẽ tiến hành các cuộc thảo luận tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới và liên minh cầm quyền của ông sẽ xem xét các biện pháp đáp trả với Ukraine.

Vào ngày 1/1, việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine đã bị dừng hoàn toàn do Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận.

Trước đó, Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom tuyên bố việc Ukraine từ chối gia hạn đã khiến Nga mất khả năng kỹ thuật và pháp lý để cung cấp nhiên liệu qua tuyến đường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục