Ngày 20/6, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị một khoản viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu euro (khoảng 50 tỷ đồng) để cứu trợ khẩn cấp cho các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn ở Việt Nam.
Ông Christos Stylianides, Cao ủy của EU về Viện trợ Nhân đạo và Quản lý Khủng hoảng nói: “Hiện tượng thiếu hụt nghiêm trọng lượng mưa đã ảnh hưởng tới sinh kế, an ninh lương thực và sự tiếp cận với nguồn nước sạch của người dân Việt Nam. Khoản viện trợ này của EU sẽ góp phần quan trọng giúp các gia đình bị ảnh hưởng vượt qua giai đoạn khó khăn này, đảm bảo rằng những nhu cầu thiết yếu của họ được đáp ứng."
Thông qua Tổng cục Viện trợ nhân đạo và Bảo vệ dân sự (ECHO) thuộc Ủy ban châu Âu, khoản viện trợ này sẽ cho phép các đối tác nhân đạo của EU đưa ra các sáng kiến cứu trợ nhằm giảm bớt những gánh nặng của những bộ phận dân cư đang phải gánh chịu nhiều rủi ro nhất tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Khoản tiền này sẽ tập trung vào việc đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp nhất, trong đó có giúp đỡ về lương thực cũng như tiếp cận với nước sạch và vấn đề đảm bảo vệ sinh.
Tình trạng hạn hán kéo dài ở Việt Nam đã ảnh hưởng tới 39 trên tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước, dẫn tới sự thiếu nước trên diện rộng và nhiều diện tích đất canh tác bị khô hạn.
Tất cả các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực phía Nam miền Trung và Tây Nguyên hiện đang gánh chịu hậu quả từ hiện tượng bất thường của khí hậu. Khoảng 400.000 ha đất canh tác có sản lượng thu hoạch đã chịu ảnh hưởng với các mức độ khác nhau.
Trong những tháng qua, sự khan hiếm nước đã dẫn tới tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn đã xâm nhập sâu hơn vào nội đồng từ 20-25 km. Mặc dù chính phủ đã tiến hành các biện pháp sẵn sàng ứng phó và triển khai các sáng kiến đã dự trù nhưng mức độ của thiên tai lần này đã trở nền trầm trọng hơn nhiều so với dự tính ban đầu.
Dự báo mùa mưa sẽ bắt đầu vào tháng 9 tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nhưng những người nông dân vẫn cần một thời gian để trồng lại các loại cây và ổn định lại sinh kế của mình./.