Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thay đổi thỏa thuận "ly hôn" với Anh, còn gọi là Brexit.
Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đã tuyên bố như vậy trong cuộc phỏng vấn ngày 1/9, trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà EU đạt được với người tiền nhiệm Theresa May, đặc biệt là điều khoản "chốt chặn."
Ông Barnier khẳng định yếu tố gây tranh cãi nhất của thỏa thuận Brexit, gọi là cơ chế "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit, là mức độ linh hoạt tối đa mà EU có thể đưa ra.
Ông nhấn mạnh điều khoản này vẫn phải là một phần trong bất kỳ thỏa thuận Brexit nào, và với cách hành xử của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông không "lạc quan" về việc London có thể tránh được kế hoạch rời khỏi "ngôi nhà chung" vào ngày 31/10 tới mà không có thỏa thuận
Kể từ khi nhậm chức tháng 7/2019, tân Thủ tướng Anh, nhân vật từng kêu gọi loại bỏ điều khoản "chốt chặn" hoàn toàn, tuyên bố sẽ đưa Xứ sở sương mù ra khỏi EU trong mọi hoàn cảnh vào thời hạn chót 31/10, nhằm tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân với kết quả 52% số người ủng hộ ra đi hồi năm 2016.
Tuy nhiên, hiện ông Johnson đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của các nghị sỹ thuộc nhiều đảng phái chính trị, những người tuyên bố sẽ đưa ra một dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận ngay khi cơ quan lập pháp làm việc trở lại sau thời gian nghỉ Hè 6 tuần.
[Financial Times: Kinh tế Anh chưa sẵn sàng cho Brexit cứng]
Thủ lĩnh Công đảng đối lập, Jeremy Corbyn thậm chí tuyên bố ông sẽ thảo luận về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Johnson.
Ngày 30/8, Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland Simon Coveney cũng cho rằng quan điểm hiện nay của Chính phủ Anh về Brexit là vô lý, khẳng định London chưa đưa ra các đề xuất đáng tin cậy và vững chắc để thay thế điều khoản "chốt chặn" nêu trong thỏa thuận mà EU và Anh ký kết hồi cuối năm ngoái.
Ngoại trưởng Ireland cho rằng quan điểm hiện nay của Thủ tướng Boris Johnson về Brexit là rất rõ ràng và dứt khoát nhưng hoàn toàn không chấp nhận được và EU sẽ không ủng hộ.
Theo kế hoạch, Hạ viện Anh sẽ nhóm họp vào ngày 3/9 tới và sẽ làm việc trong vòng 2 tuần rồi lại tiếp tục nghỉ để các chính đảng tổ chức hội nghị thường niên, và sẽ trở lại làm việc vào đầu tháng 10.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson đề nghị kéo dài kỳ nghỉ của quốc hội tới ngày 14/10. Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã ký phê chuẩn đề nghị này.
Ông Johnson giải thích là chính phủ mới cần xây dựng một chương trình lập pháp mới, đồng thời khẳng định sẽ có đủ thời gian cho tất cả các nghị sỹ thảo luận về Brexit và các vấn đề khác.
Điều này đồng nghĩa với việc kỳ họp mới của Hạ viện Anh sẽ bắt đầu chỉ 2 tuần trước khi Brexit chính thức diễn ra.
Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích trong chính giới, cho rằng mục đích chính của Thủ tướng Johnson là ngăn quốc hội cản trở Brexit không thỏa thuận./.