Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua đã đạt được thỏa thuận về việc tham gia của Thụy Sĩ trong chương trình tài trợ nghiên cứu và phát triển Tầm nhìn năm 2020 (Horizon 2020). Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần phải được sự phê chuẩn của chính phủ.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ đã công bố việc đạt được thỏa thuận song chưa thông báo chi tiết nội dung. Vị trí của Thụy Sĩ trong chương trình đã thay đổi sang cái gọi là "nước thứ ba" bên ngoài EU sau khi cử tri Thụy Sĩ bỏ phiếu chọn việc thương lượng lại các điều khoản di chuyển tự do của người dân hôm 9/2.
Tuần trước, EU đã từ chối không muốn đàm phán lại thỏa thuận di chuyển tự do của người dân với Thụy Sĩ, bất chấp yêu cầu gần đây của chính phủ Thụy Sĩ đề nghị thương lượng lại thỏa thuận.
Trong một bức thư gửi cho Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, EU tuyên bố rằng việc đi lại tự do của người dân là một trong những nguyên tắc cơ bản của EU, do đó không thể được thương lượng hoặc hạn chế thông qua việc sử dụng hạn ngạch.
Tờ Le Temps đưa tin vào đầu tháng Bảy rằng vị trí đàm phán của Thụy Sĩ về Horizon 2020 chủ yếu liên quan đến việc tiếp tục đảm bảo tiếp cận với ERC-quỹ tài trợ cho các nhà nghiên cứu mà các học viện Thụy Sĩ đã tham gia trên mức trung bình.
Đổi lại, Thụy Sĩ sẵn sàng tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ tài chính cho các chương trình chung như lò phản ứng tổng hợp hạt nhân ITER, hợp tác nghiên cứu Thụy Sĩ-EU trong Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu Euratom và chương trình định vị vệ tinh Galileo.
Sau kết quả bỏ phiếu ngày 9/2, Thụy Sĩ bị hạn chế không được tham gia chương trình nghiên cứu và phát triển tầm nhìn 2020 và chương trình trao đổi giáo dục trên thế giới Eramus của EU, vì tất cả các chương trình này đều liên quan đến vấn đề tự do đi lại.
Được biết, Thụy Sĩ sẽ không thể tham gia vào quỹ Horizon 2020 tài trợ cho những tháng còn lại của năm 2014. Cuối tháng Sáu vừa qua, chính phủ Thụy Sĩ dành 500 triệu franc để hỗ trợ các nhà nghiên cứu mà vẫn dựa vào quỹ Horizon 2020.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Johann Schneider-Ammann, mục tiêu của Thụy Sĩ vẫn tham gia đầy đủ trong Horizon 2020.
Thỏa thuận điều chỉnh việc di chuyển tự do của người dân giữa các nước EU đã được thực thi từ năm 2002. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 9/2 của cử tri Thụy Sĩ bị coi là mâu thuẫn với một số thỏa thuận giữa Thụy Sĩ và EU.
Chính phủ Thụy Sĩ ngày 7/7 đã chính thức yêu cầu thỏa thuận tự do đi lại cần phải được thương lượng lại để điều chỉnh các điều khoản cho phù hợp hơn, sau khi cử tri Thụy Sĩ kêu gọi hạn chế nhập cư từ 28 quốc gia EU./.