EU và Pháp hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam hướng tới tương lai xanh

Liên minh châu Âu và Pháp, thông qua AFD vừa hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và quản lý nước, tài nguyên thiên nhiên.
EU và Pháp hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam hướng tới tương lai xanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFD tại Việt Nam cung cấp)

Ngày 11/5, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam vừa ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác chung trong việc nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và thiên tai tại Việt Nam, nhằm hướng tới một "tương lai xanh."

Theo thỏa thuận, EU sẽ cung cấp viện trợ không hoàn lại 20 triệu euro (1 euro tương đương hơn 25.300 đồng) cho AFD.

Thông qua phối hợp với các chính quyền Trung ương và địa phương, AFD sẽ huy động Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên nhằm chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư được đồng tài trợ thông qua các khoản cho vay của AFD và các nguồn lực của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2029 với tổng nguồn vốn ước tính 200 triệu euro.

Dự kiến, Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên sẽ hỗ trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư có tính chiến lược hơn, gồm cả hạ tầng “cứng” và “mềm” trong các lĩnh vực quản lý nước, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như ứng phó với những thách thức tại địa phương như lũ lụt và xói mòn đường bờ biển.

Ngoài ra, kinh nghiệm thu được từ các dự án sẽ đóng góp vào quá trình đối thoại chính sách chiến lược về khí hậu, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

[Không cắt giảm khí cácbon, nhiệt độ sẽ tăng tới 7,5 độ C vào năm 2070]

Đại sứ EU, ông Giorgio Aliberti cho biết thích ứng với biến đổi khí hậu có vai trò hết sức quan trọng vì tính bền vững trong sự phát triển của Việt Nam, và nước và tài nguyên thiên nhiên chính là một nhân tố then chốt của vấn đề này.

Mục đích của khoản viện trợ không hoàn lại 20 triệu euro này là nhằm hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai xanh hơn và kiên cường hơn. Việc viện trợ này hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên toàn cầu của EU về các quan hệ đối tác quốc tế với yêu cầu đạt được các thỏa thuận xanh.

“Sự tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp khôi phục và bảo tổn các hệ sinh thái, tăng cường sức chống chịu của người dân địa phương và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19,” Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ thêm.

EU và Pháp hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam hướng tới tương lai xanh ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giám đốc AFD tại Việt Nam Fabrice Richy nhận định quỹ WARM đáp ứng trực tiếp những nhu cầu của các đối tác Việt Nam, bao gồm cả các tỉnh thụ hưởng, thông qua việc đẩy nhanh công tác đánh giá và thực hiện các dự án đầu tư chiến lược dành cho một con đường phát triển với sức chống chịu tốt của các địa phương bằng cách tài trợ cho các nghiên cứu trong giai đoạn chuẩn bị và hỗ trợ kỹ thuật.

Các dự án này nằm ở vị trí trung tâm trong hợp tác của Pháp tại Việt Nam, đặc biệt là thông qua các ưu tiên về sự thích ứng của các thành phố và địa phương với biến đổi khí hậu và thiên tai; quản lý nguồn nước được cải thiện và tích hợp, việc quản lý vùng ven biển được tích hợp. Đây thực sự là một giá trị gia tăng cho tất cả các bên.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong 30 năm qua, thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu đã gây ra trung bình 500 ca tử vong/năm, thiệt hại kinh tế tương đương 1,5% GDP quốc gia.

Ngoài ra, nhiệt độ và mực nước biển tăng, cùng tình trạng gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa mạnh mẽ cũng đang làm tăng nguy cơ xói lở ven biển, ngập úng đô thị và hạn hán trong nhiều khu vực.

Minh chứng là mùa hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài, khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa và khiến 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Chưa dừng lại, theo nhận định của giới chuyên gia khí tượng, trong đợt khô hạn và xâm nhập mặn (khô-mặn) này, một số thời điểm thậm chí còn khốc liệt hơn cả đợt khô-mặn lịch sử từng diễn ra vào năm 2015-2016.

Chính vì thế, trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững, EU và AFD hiện đang tích cực giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực về giảm nhẹ (chuyển đổi năng lượng) và thích ứng với biến đổi khí hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục