EU và Mỹ hướng tới xây dựng nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ, hai bên đã thẳng thắn thảo luận với chính phủ Tổng thống Biden dựa trên nguyên tắc đơn giản "cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn."
EU và Mỹ hướng tới xây dựng nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương ảnh 1(Nguồn: AP)

Tạp chí Tiêu điểm (Focus) của Đức mới đây đăng bài viết của Đại diện cấp cao về đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell về mối quan hệ EU-Mỹ, nội dung chính như sau:

Tháng 12/2020, Hội đồng châu Âu tổ chức một cuộc tranh luận về mối quan hệ EU-Mỹ. Các nguyên thủ quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương dựa trên các lợi ích và giá trị chung. Ngày 15/6, EU và Mỹ đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels.

EU và Mỹ liên kết chặt chẽ với nhau bởi lịch sử và các giá trị chung. Hai bên đã phối hợp để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho công dân cũng như người dân trên toàn thế giới.

Trong thời kỳ khủng hoảng, người châu Âu và người Mỹ lại càng hợp tác chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, ngày nay, khi châu Âu và Mỹ đang ở "ngã ba đường," các nền tảng xã hội và các giá trị chung đang phải đối mặt với những sự ngờ vực.

Trong thực tế, có lẽ đây là giai đoạn quan trọng nhất trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của một thế hệ. Dựa trên "Chương trình nghị sự mới của quan hệ EU-Mỹ cho sự thay đổi toàn cầu" do EU giới thiệu hồi tháng 12 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ trong tuần này sẽ là một lời kêu gọi sử dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ lợi ích chung và đảm nhiệm vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Các biện pháp chung để giải quyết thách thức toàn cầu 

Chấm dứt đại dịch COVID-19 và phục hồi bền vững là hai trong số những ưu tiên lớn nhất của châu Âu và Mỹ hiện nay. EU đã đưa ra gói kích thích tài chính trị giá 1.800 tỷ euro để thúc đẩy nền kinh tế châu Âu trở nên xanh hơn, kỹ thuật số hơn và công bằng hơn.

Song song với đó, chính quyền Tổng Mỹ Joe Biden hồi tháng Ba cũng đã thông qua kế hoạch giải cứu nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Với những biện pháp mạnh mẽ này, cả EU và Mỹ đều có thể thực hiện việc tái thiết một cách tốt hơn. 

[Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU được kỳ vọng củng cố hợp tác song phương]

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, tiềm năng khoa học và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên đã được thể hiện rõ trong việc phát triển vaccine. Vaccine đầu tiên được chấp thuận ở EU và Mỹ là vaccine BioNTech/Pfizer.

Đây là nỗ lực chung của hai hãng dược phẩm châu Âu và Mỹ. Sau đó, hai bên tiếp tục tặng hàng triệu liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua sáng kiến COVAX, đồng thời cùng hỗ trợ và tăng cường sức mạnh cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) sẽ diễn ra trong vài tháng tới, giờ là lúc hai bên cần vạch ra một chương trình nghị sự xanh xuyên Đại Tây Dương toàn diện và đầy tham vọng.

Điều này không chỉ bắt đầu với cam kết chung về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà châu Âu và Mỹ cần thúc đẩy các nước phát thải lớn nhất thế giới đạt những bước tiến xa hơn và nhanh hơn trong vấn đề này.

Việc chính quyền Tổng thống Biden quyết định tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đưa ra các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng là động thái rất đáng hoan nghênh.

Xây dựng nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương cho tương lai 

Các mối quan hệ kinh tế giải quyết các vấn đề và lợi ích của EU và Mỹ. Đây vẫn là nguồn lực chính cho sự thịnh vượng, là động lực cho sự đổi mới và bằng chứng về khả năng phục hồi.

Hàng triệu việc làm đã được tạo ra ở cả hai bờ Đại Tây Dương, 780 triệu người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ nền kinh tế có lợi nhuận cao nhất thế giới. Tuy nhiên, để nền kinh tế trở lại đà phát triển, cần phải thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích hơn nữa, không chỉ là vấn đề hỗ trợ tài chính. 

Mặc dù bất đồng thương mại luôn tồn tại, nhưng lợi ích chung là tiếp cận vấn đề trên tinh thần hợp tác; đồng thời hai bên cũng phải lưu ý rằng nếu EU và Mỹ chia rẽ, nhiều bên khác được hưởng lợi. Do đó, EU và Mỹ cần khôi phục niềm tin vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời nỗ lực cải tổ tổ chức này.

Đối phó với các thách thức an ninh quốc tế 

EU và Mỹ luôn cảnh giác trong việc bảo vệ nền dân chủ quốc gia, với cam kết thực hiện công bằng xã hội, bình đẳng về mặt chủng tộc và giới tính.

EU và Mỹ cần hợp sức để chống lại sự lớn mạnh của chủ nghĩa độc tài và sự gia tăng các vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Nếu hai bên có thể đánh bại đại dịch và đưa nền kinh tế phát triển trở lại, đó có lẽ sẽ là lý lẽ thuyết phục nhất đối với người dân rằng nền dân chủ thực sự là ưu việt. 

Ngoài ra, EU và Mỹ sẽ tiếp tục là những nhà đảm bảo an ninh và hòa bình lớn nhất thế giới. EU quyết tâm thực hiện phần việc của mình thông qua tăng cường tiềm lực để bổ sung cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tăng cường sức mạnh của liên minh này, đặc biệt thông qua việc thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu dài. Mỹ và các đối tác thân cận khác đã đồng hành cùng châu Âu trong hành trình này. 

Đối với Trung Quốc, cách tiếp cận của hai bên sẽ theo hướng coi đây là đối thủ cạnh tranh toàn diện, vì điều này là không thể tránh khỏi. Với Nga, từ cuộc khủng hoảng năm 2014, EU và Mỹ đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bất cứ khi nào cần thiết. Dù vậy, hai bên cũng sẽ tìm kiếm sự hợp tác với Moskva nếu có thể và tiếp tục can dự vào các vấn đề có liên quan đến lợi ích hoặc khi tình hình thực tế đòi hỏi.

Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ là cơ hội để hai bên cùng nhau khẳng định lại sự ủng hộ đối với một trật tự đa phương dựa trên luật lệ quốc tế. Hai bên sẽ làm việc để củng cố và cải cách các thể chế đa phương, với mục tiêu đảm bảo rằng các thể chế đó có thể đáp ứng được những thách thức hiện tại. 

EU và Mỹ sẽ không ảo tưởng về quy mô của những thách thức. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ, hai bên thẳng thắn thảo luận với chính phủ Tổng thống Biden dựa trên nguyên tắc đơn giản "cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục