EU và Indonesia trao đổi kinh nghiệm quản lý thiết bị không người lái dưới nước

EU có một số chuyên môn về công nghệ, Indonesia có kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động trên biển, do đó, hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm và tìm ra giải pháp để thúc đẩy khung pháp lý cho UUV.

Nguyên mẫu tàu ngầm không người lái Manta Ray (UUV). (Ảnh: Asia Today)
Nguyên mẫu tàu ngầm không người lái Manta Ray (UUV). (Ảnh: Asia Today)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, để đảm bảo việc sử dụng thiết bị không người lái dưới nước (UUV) một cách có trách nhiệm và bền vững, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về các bước tiến hành việc phối hợp và quản lý UUV trong mọi tình huống.

Tại Hội nghị chuyên gia quốc tế về Khung pháp lý cho UUV diễn ra ngày 25-26/6 tại Jakarta, Thứ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Jodi Mahardi cho biết tính khả dụng của UUV đã làm tăng tần suất và phạm vi sử dụng thiết bị này trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Indonesia - quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với sinh học biển phong phú.

Trong khi đó, các quy định hiện hành chỉ yêu cầu giấy phép sử dụng UUV trong một số trường hợp.

Do đó, Thứ trưởng Mahardi nhấn mạnh hội nghị lần này là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm cho Indonesia về các biện pháp thực tế phù hợp nhất trong sử dụng UUV nhằm đảm bảo an ninh hàng hải.

Thứ trưởng Mahardi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và duy trì sự an toàn, an ninh và hòa bình của môi trường hàng hải của Indonesia.

Cũng tại hội nghị, Đại sứ EU tại Indonesia, Denis Chaibi, cho biết quy mô thị trường toàn cầu của UUV ước tính tăng từ 12- 20%/năm và có khả năng tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này.

Mặc dù không có nhiều tranh cãi về việc phân loại UUV hiện nay, song các loại phương tiện này cần sớm có cơ chế quản lý cụ thể hơn với tình hình an ninh hàng hải hiện tại.

Trong khi EU có một số chuyên môn về công nghệ, Indonesia có kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động trên biển. Do đó, hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm và tìm ra giải pháp để thúc đẩy khung pháp lý cho UUV.

Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của chính phủ, ngành công nghiệp và học viện để giải quyết nhu cầu cấp thiết về một khung pháp lý toàn diện giúp cân bằng giữa tình hình thực tế và quy định.

Các cuộc thảo luận chuyên sâu tập trung vào các khía cạnh quan trọng của quy định về UUV gồm việc phát triển các tiêu chuẩn và quy trình an toàn nghiêm ngặt để đảm bảo hoạt động đáng tin cậy và an toàn của UUV, bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo mật và quyền riêng tư, cân nhắc về mặt pháp lý và đạo đức các công nghệ giám sát, hợp tác và đổi mới để chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục