Liên quan đến việc các nước châu Âu đóng cửa biên giới gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, chiều 20/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam.
Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU và Hoa Kỳ đang hoãn, hủy buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay sau khi có thông tin một số đối tác từ châu ÂU và Hoa Kỳ thông báo dừng nhập hàng dệt may, đơn vị đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.
Phái đoàn liên minh châu Âu cho rằng việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hóa, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men... bởi chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam-EU.
[Dệt may ứng phó thế nào khi EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng do COVID-19?]
Theo ông Tạ Hoàng Linh, quy định này chỉ áp dụng đến hành trình di chuyển của các cá nhân và các hoạt động vận chuyển. Riêng thông thương hàng hóa sẽ không bị hạn chế và đây chỉ là các biện pháp kiểm dịch để đảm bảo sức khỏe của người dân châu Âu.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh tế, một mặt nào đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ các khâu vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ, tiêu thụ gây gián đoạn, làm chậm chễ dòng chảy kinh tế, thương mại và dịch vụ.
Mặt khác, hàng hóa nhập khẩu vào EU bằng đường hàng không chắc chắn ảnh hưởng nặng nề nhất vì hiện nay Việt Nam xuất khẩu 60 % bằng đường biển, 39% bằng đường hàng không. Vì vậy, thời gian tới, các chuyến bay bị hoãn, cắt giảm có thể sẽ ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hóa.
Tương tự, Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng cho biết không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang thị trường này.
Tuy nhiên ông Tạ Hoàng Linh cho rằng do loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Hoa Kỳ đóng cửa vì dịch COVID-19 nên những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may sẽ bị ảnh hưởng.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật cùng doanh nghiệp xuất khẩu, thương vụ Việt Nam tại 2 thị trường này để đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày," ông Tạ Hoàng Linh khẳng định.
Còn theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện tại, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Chính lý do này đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày đang hứng chịu tác động kép từ dịch COVID-19.
Ông Trương Thanh Hoài phân tích thêm, nguồn nguyên liệu sản xuất vừa được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may, da giày.
Không những thế, lượng lao động trong ngành dệt may, da giày với trên 2 triệu người nên cũng tạo ra áp lực rất lớn về đảm bảo công tác an sinh xã hội, việc làm.
Trước khó khăn đó, ông Trương Thanh Hoài kiến nghị kéo dài thời gian giãn, hoãn nhóm nợ của các doanh nghiệp này dài hơn so với các ngành, lĩnh vực khác.
Ngoài ra, ông Trương Thanh Hoài cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu rà soát, tìm thị trường xuất khẩu mới cho dệt may - những thị trường vẫn đang có nhu cầu tiêu dùng; thúc đẩy xuất khẩu dệt may, da giày sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi dịch bệnh được kiểm soát khả quan.
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: Ngay trong đầu tuần tới, Cục Xuất Nhập khẩu sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
Bởi, EU và Hoa Kỳ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang thị trường EU; trong đó các mặt hàng đem lại kim ngạch tỷ USD là dệt may, da giày, nông sản, máy móc thiết bị... Với Hoa Kỳ, Việt Nam xuất khẩu dệt may gần 15 tỷ USD vào thị trường này năm 2019.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ vẫn đạt xấp xỉ 2,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay dù ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), thời gian tới tình hình dịch bệnh trên thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và trên diện rộng. Ở trong nước, việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh đã và đang thực hiện rất quyết liệt, nhưng vẫn đặt ra những áp lực lớn.
Chính vì vậy, hướng chỉ đạo của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu và vật phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch của người dân. Ngoài ra, tổ chức sản xuất, cung ứng đầy đủ khẩu trang vải phục vụ nhu cầu của người dân theo các tiêu chuẩn và khuyến nghị của ngành y tế.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối hàng hóa và tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu vướng mắc cho sản xuất và xuất nhập khẩu; trong đó đặc biệt lưu ý tới các diễn biến mới tại khu vực châu Âu, Hoa Kỳ tác động tới đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.
Hơn nữa, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cũng sẽ chú trọng tình hình tại Lào, Campuchia và các nước khác trong khu vực; diễn biến giá dầu thế giới đang giảm mạnh.
Đặc biệt, liên quan đến thương mại trong nước, Bộ Công Thương đã nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động bình ổn thị trường.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết tình hình đang đòi hỏi những kịch bản mới đủ mạnh, do vậy cần có phân tích sâu hơn, cập nhật hơn để có kịch bản phù hợp hơn, thậm chí có thể là khốc liệt hơn.
“Bất luận tình hình thế nào, Bộ Công Thương có trách nhiệm và vai trò rất lớn trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, cần hành động với tinh thần quyết liệt hơn, chủ động hơn”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.