'EU và các nước thành viên là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam'

Theo Chủ tịch Quốc hội, EU là đối tác kinh tế-phát triển rất quan trọng, là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất; là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU tại Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 17/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier và Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU.

Bày tỏ vui mừng gặp các Đại sứ, Đại biện trên cương vị mới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Đại sứ, Đại biện giúp chuyển tình cảm thân thiết và lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo nghị viện các nước thành viên EU đã gửi thư chúc mừng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định EU và các nước thành viên luôn là những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; bày tỏ vui mừng thấy rằng quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Về chính trị-ngoại giao, trong thời gian qua, việc tiếp xúc, trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao được tăng cường. Hai bên đang triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận hợp tác và cơ chế đối thoại, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại-đầu tư, y tế, giáo dục, quốc phòng-an ninh, hợp tác phát triển, tư pháp, nông nghiệp.

Việc hai bên duy trì kênh đối thoại liên nghị viện thực chất, hiệu quả thông qua trao đổi đoàn và cơ chế hợp tác thúc đẩy việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, góp phần thúc đẩy các ưu tiên, tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác.

Về kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết EU hiện là đối tác kinh tế-phát triển rất quan trọng của Việt Nam, là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất; là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và là nhà đầu tư lớn thứ sáu của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ Đối tác Toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Cụ thể, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,5 tỷ USD; kim ngạch quý I/2024 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023, trong đó xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 17,2%) và nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11,7%).

Về đầu tư, tính đến ngày 20/5/2024, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD với 2.571 dự án, chiếm 6,21% tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam. EU đứng thứ 6/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

"Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-EU và các nước thành viên đang có những dấu hiệu tích cực, bên cạnh những dư địa rất lớn cần hợp tác thúc đẩy," Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) đang phát triển rất tốt đẹp trên tinh thần hợp tác, xây dựng.

Hai bên đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam-EU; đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU với mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp hai bên. Trong khuôn khổ hợp tác nghị viện, các cơ chế/hình thức hợp tác, đối thoại liên nghị viện đang phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh việc Ủy ban Thương mại Quốc tế EP (INTA) đề xuất về việc thành lập cơ chế hợp tác chung giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu. Hai bên đã duy trì các cuộc đối thoại và trao đổi thường xuyên giữa các nghị sỹ châu Âu và đại biểu Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy việc thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU, đóng góp chung vào sự phát triển quan hệ Việt Nam-EU.

Để đưa quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên phát triển hiệu quả hơn nữa thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ, Đại biện tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là trao đổi đoàn cấp cao để tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, sự gần gũi và hiểu biết, tạo động lực cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại hiện có, nhất là kênh hợp tác nghị viện, nhằm triển khai tốt Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, cũng như các hiệp định khác giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên EU.

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị EU và các nước thành viên tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống khai thác IUU, có tính đến những khó khăn, khác biệt về trình độ phát triển giữa hai bên về năng lực quản lý nghề cá và sinh kế của ngư dân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đại sứ, Đại biện tăng cường trao đổi, tiếp xúc, phối hợp với các Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị của Quốc hội Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực; mong muốn, các Đại sứ, Đại biện sẽ luôn là cầu nối quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với EU và các quốc gia thành viên.

Thay mặt các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU, Đại sứ EU Julien Guerrier khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung cũng như tại Đông Nam Á nói riêng.

Chia sẻ đánh giá của Chủ tịch Quốc hội về quan hệ Việt Nam-EU, Đại sứ Julien Guerrier cho rằng quan hệ hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp, dược phẩm, tư pháp, lao động, quốc phòng-an ninh, hợp tác phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu với ưu tiên triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)...

Phía EU mong muốn tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS; ứng phó với các thách thức phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc thúc đẩy gỡ 'thẻ vàng' IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.

Đại sứ nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong xây dựng luật pháp, giám sát và thúc đẩy thực hiện các dự án lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng; bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước EU sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục