EU và Anh khởi động vòng đàm phán mới về quan hệ hậu Brexit

Vòng đàm phán mới tại Brussels này là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên được tổ chức kể từ khi nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost (trái) tại vòng đàm phán thứ nhất về thỏa thuận thương mại hậu Brexit ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost (trái) tại vòng đàm phán thứ nhất về thỏa thuận thương mại hậu Brexit ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/6, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã khởi động 5 tuần đàm phán quan trọng về một thỏa thuận xác định quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn hậu Brexit.

Đến với vòng đàm phán này, London mang theo tâm lý muốn nhanh chóng kết thúc vụ "ly hôn."

Vòng đàm phán mới tại Brussels này là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên được tổ chức kể từ khi nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

[Anh và EU tiếp tục bất đồng trong đàm phán thương mại hậu Brexit]

Theo kế hoạch, vòng đàm phán trên sẽ diễn ra luân phiên tại Brussels và London trong suốt hai tháng tới.

So với các vòng đàm phán đầu tiên, vòng đàm phán lần này được sắp xếp hợp lý hơn với sự tham gia của hàng trăm chuyên viên tại các phiên họp riêng biệt về các chủ đề khác nhau.

Các cuộc thảo luận sẽ bắt đầu bằng một cuộc họp giữa các trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michael Barnier và phía Anh là ông David Frost.

Cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong suốt tuần với các phiên ngắn về các chủ đề gây tranh cãi nhất như bảo đảm cạnh tranh công bằng mà EU yêu cầu trong các vấn đề tài chính, xã hội hoặc môi trường để tránh sự xuất hiện của một nền kinh tế điều tiết thấp theo tiêu chuẩn EU; vai trò của Tòa án Công lý EU; việc ngư dân EU tiếp cận các vùng biển của Anh...

Các cuộc đàm phán tới đây được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tháo gỡ những mâu thuẫn vốn đã cản trở tiến trình đàm phán trong suốt nhiều tháng qua.

Vấn đề càng thêm nóng trong những ngày gần đây khi Thủ tướng Johnson hôm 27/6 khẳng định một khi hai bên không thể tìm tiếng nói chung, Anh sẽ chấp nhận mọi hậu quả khi rời đi mà không có thỏa thuận về quan hệ song phương.

Anh chính thức rời EU hôm 31/1 vừa qua nhưng những điều khoản chính trong quan hệ song phương vẫn duy trì theo mô hình cũ cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020.

Trong thời gian này, hai bên nỗ lực đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo không gián đoạn hoạt động giao thương sau giai đoạn chuyển tiếp.

Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì hoạt động thương mại toàn cầu sẽ càng thêm hỗn loạn trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang nỗ lực nối lại hoạt động sau thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19.

Mối quan hệ thương mại song phương sẽ được định hình theo các tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những mức thuế quan cao và nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục