Ngày 30/11, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều cảnh báo không còn nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, trong bối cảnh hai bên vẫn còn khác biệt lớn trong vấn đề trợ cấp của nhà nước và quyền đánh bắt cá.
Một nguồn tin EU cho biết các cuộc thảo luận tại London cuối tuần qua khá khó khăn và hai bên chưa thể nhượng bộ về vấn đề đánh bắt cá, giải quyết tranh chấp và cạnh tranh kinh tế công bằng.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson, đàm phán đạt được một số tiến triển song vẫn còn nhiều bất đồng cần thu hẹp. London mong muốn và cố gắng đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể nhưng sẽ không thay đổi lập trường đàm phán.
Trước đó, Thủ tướng Johnson từng tuyên bố Anh sẵn sàng chấp nhận phương án không có thỏa thuận nếu đàm phán không mang lại kết quả. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ireland, ông Simon Coveney cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian và việc không nhất trí được về vấn đề đánh bắt cá có thể phá hỏng toàn bộ thỏa thuận.
[Vấn đề Brexit: Triển vọng mới cho đàm phán nước rút giữa Anh và EU]
Về phía EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết một số nước thành viên đang mất dần kiên nhẫn, nhưng nhấn mạnh không cần phải đạt được thỏa thuận bằng mọi giá và thỏa thuận cuối cùng phải đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong khi đó, một quan chức thuộc Phủ Tổng thống Pháp cho rằng Anh cần làm rõ lập trường và thương lượng một cách thực chất để đạt được thỏa thuận Brexit về quan hệ tương lai với EU. Theo quan chức này, EU đã đưa đề nghị rõ ràng và cân bằng về quan hệ đối tác tương lai với Anh và khối này sẽ không chấp nhận một thỏa thuận không đem lại lợi ích cho khu vực.
Cả Anh và EU hiện đều có các bước chuẩn bị cho kịch bản không đạt được thỏa thuận trước 31/12, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển giao và Anh chính thức rút khỏi EU. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết khối có thể sẽ triển khai các biện pháp đột xuất vào ngày 2 hoặc 3/12 nếu không thể đạt được thỏa thuận thương mại với Anh. Theo đó, các công ty và cơ quan như văn phòng hải quan trên khắp EU sẽ phải xác định áp đặt loại thuế nào và các biện pháp khác trong trường hợp không có thỏa thuận. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh giờ đến lúc EU phải thực hiện các biện pháp này sau nhiều tuần trì hoãn.
Trong khi đó, Chính phủ Anh kêu gọi các doanh nghiệp sẵn sàng cho kịch bản không đạt được thỏa thuận khi giai đoạn chuyển giao Brexit chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc. Chính phủ Anh cũng thiết lập Trung tâm vận hành biên giới, sẽ sử dụng phần mềm để thu thập thông tin về lưu thông hàng hóa và hành khách. Công nghệ mới cho phép chính phủ và cảnh sát địa phương có thể nhanh chóng ra quyết định, giảm thiếu bất kỳ sự gián đoạn nào.
Theo giới phân tích, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận để kịp phê chuẩn trước ngày 31/12 tới, hoạt động thương mại giữa EU và Anh sẽ gặp rào cản thuế quan và các doanh nghiệp ở cả hai bên, nhất là phía Anh, sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Nhiều nghị sỹ châu Âu cho biết sự chậm trễ trong đàm phán có thể gây khó khăn cho việc phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận thương mại nào hậu Brexit.
Trong ngày 30/11 tiếp tục diễn ra các cuộc thảo luận giữa Trưởng đoàn đàm phán Brexit bên phía EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost. Dự kiến phái đoàn EU sẽ ở lại London thêm 2-3 ngày để đàm phán. Thủ tướng Ireland Micheal Martin bày tỏ hi vọng hai bên có thể đạt thỏa thuận vào cuối tuần này, tuy nhiên nhấn mạnh hai bên đều phải có quyết tâm chính trị và lựa chọn đúng đắn, cân bằng để thực hiện mục tiêu này./.