Một ngày sau khi Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt đối với một công tố viên cấp cao của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), ngày 3/9, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ bảo vệ ICC chống lại những nỗ lực nhằm làm suy yếu cơ quan này.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của EU Josef Borrell nhấn mạnh ICC đang phải đối mặt với những thách thức bên ngoài và EU kiên quyết chống lại tất cả những nỗ lực nhằm làm suy yếu hệ thống tư pháp hình sự quốc tế bằng cách gây cản trở công việc của các cơ quan nòng cốt của ICC.
Quan chức này khẳng định EU cam kết tăng cường ủng hộ ICC bởi cơ quan này là nhân tố then chốt trong việc ngăn chặn những kẻ tội phạm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ sát cánh với ICC và chúng tôi không hài lòng khi chứng kiến những bước đi chống lại các hoạt động của ICC."
[Mỹ áp dụng trừng phạt kinh tế đối với công tố viên ICC]
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo áp đặt trừng phạt kinh tế đối với công tố viên Fatou Bensouda và một quan chức cấp cao khác của ICC là Phakiso Mochochoko liên quan tới cuộc điều tra liệu quân đội Mỹ có phạm tội ác chiến tranh tại Afghanistan hay không.
Trước đó, trong tháng 6, Washington cũng áp đặt trừng phạt, gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại, với 2 quan chức của ICC.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hạn chế thị thực đối với những cá nhân có liên quan tới cuộc điều tra của ICC nhằm vào giới chức Mỹ về vấn đề tội ác chiến tranh tại Afghanistan song không nêu danh tính cụ thể.
Công tố viên Bensouda, người vừa bị Mỹ áp đặt trừng phạt, đã được ICC cho phép tiến hành điều tra hồi tháng 3 vừa qua về khả năng xảy ra tội ác chiến tranh tại Afghanistan, có thể do quân đội Afghanistan, lực lượng phiến quân Taliban hoặc quân đội Mỹ gây ra.
Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ luôn phản ứng gay gắt với khả năng tiến hành điều tra quốc tế về cuộc chiến mà Mỹ tham gia tại Afghanistan, đồng thời tuyên bố ICC không có quyền tài phán đối với công dân Mỹ./.