Ngày 5/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Iran nối lại việc làm giàu urani lên mức 20% tại cơ sở hạt nhân Fordow - một động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này và một số cường quốc thế giới ký kết năm 2015.
Mặc dù vậy, EC tin rằng thỏa thuận nói trên cần được cứu vãn.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn của EC cho biết: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các biện pháp Iran đã thực hiện. Hành động này vi phạm các cam kết hạt nhân của Iran và sẽ gây ra các tác động nghiêm trọng. Điều đó thật đáng tiếc... song việc chúng ta duy trì thỏa thuận cũng là điều rất quan trọng."
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ "tăng gấp đôi nỗ lực" để cứu vãn JCPOA. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của EU - ông Peter Stano, cho biết các hành động của Iran sẽ có tác động nghiêm trọng tới mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo ông Stano, các nước đang rất lưu tâm tới việc giải cứu thỏa thuận trên, theo đó khối liên minh 27 quốc gia này sẽ gia tăng các nỗ lực của mình để đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia đều tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận mang tính bước ngoặt JCPOA.
Động thái nối lại làm giàu urani lên mức 20% là hành động mới nhất của Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Đây là một mức làm giàu cao chưa từng thấy, vượt xa ngưỡng cam kết trong JCPOA mà Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã nhất trí.
[Iran tuyên bố đang chuẩn bị làm giàu urani ở mức 20%]
Ngày 4/1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định nước này hoàn toàn có thể hủy bỏ các biện pháp hạt nhân nếu tất cả các bên khác tham gia JCPOA cùng tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông Mohammad Javad Zarif cho biết việc Iran tiếp tục làm giàu urani với độ tinh khiết 20% đã được Quốc hội nước này phê chuẩn. Ngoài ra, Tehran cũng đã thực hiện đúng quy trình thông báo tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về kế hoạch này.
Ông Zarif khẳng định quyết định trên hoàn toàn phù hợp với nội dung nêu trong đoạn thứ 36 của JCPOA, sau nhiều năm một số bên khác tham gia JCPOA không tuân thủ thỏa thuận.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Iran cũng nêu rõ các biện pháp của Iran hoàn toàn có thể đảo ngược một khi "tất cả các bên tham gia cùng tuân thủ thỏa thuận một cách đầy đủ."
Căng thẳng liên quan JCPOA gia tăng kể từ tháng 5/2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran nhằm gây áp lực buộc Tehran đàm phán lại thỏa thuận.
Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Mức làm giàu urani để chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%./.