Ngày 7/9, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier tuyên bố sẵn sàng đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, song vẫn bày tỏ quan ngại về những đề xuất của London, đặc biệt liên quan đến vấn đề biên giới với Ireland.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Barnier bày tỏ quan ngại về tiến độ chậm chạp của tiến trình đàm phán Brexit khi thời gian còn lại không còn nhiều. Ông khẳng định sẵn sàng tăng tốc và đẩy nhanh tiến trình đàm phán, trong bối cảnh sự "chia tay" chính thức giữa Anh và EU đã được ấn định vào nửa đêm ngày 29/3/2019.
Trong phát biểu của mình, Trưởng đoàn đàm phán EU đã thông báo chi tiết quan điểm của châu Âu về năm chủ đề liên quan đến Brexit, đặc biệt là vấn đề tương lai đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh thời hậu Brexit.
Ông bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Anh đối với vấn đề này khi cáo buộc London muốn EU "ngừng áp dụng các luật lệ, liên minh hải quan, thị trường chung duy nhất tại khu vực sẽ là đường biên giới mới bên ngoài của EU."
Ông nêu rõ: "Nước Anh mong muốn sử dụng vấn đề Ireland như một phép thử cho mối quan hệ tương lai về hải quan với EU. Điều này là không thể."
Vấn đề biên giới với Cộng hòa Ireland hiện là rào cản duy nhất về mặt đất đai đối với Anh trong đàm phán Brexit. Khu vực biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland kéo dài gần 500km với 30.000 người qua lại mỗi ngày.
Việc thiết lập các biện pháp hải quan tại khu vực này là một vấn đề "đau đầu" đối với các nhà đàm phán bởi đây là khu vực hết sức nhạy cảm, từng xảy ra xung đột khiến 3.600 người thiệt mạng liên quan việc sáp nhập Bắc Ireland về với Ireland hay vẫn duy trì là một phần lãnh thổ của Anh. Các cuộc xung đột chỉ chấm dứt sau khi hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình năm 1998.
[Pháp và Hà Lan hối thúc Anh đẩy nhanh tiến trình đàm phán Brexit]
Trước đó, vòng đàm phán thứ 3 giữa EU và Anh đã kết thúc tại Brussels hồi cuối tháng Tám vừa qua với việc Trưởng đoàn đàm phán Barnier đánh giá sự tiến bộ là "không đủ" để có thể bắt đầu cuộc thảo luận về tương lai giữa EU và Vương quốc Anh.
EU cho rằng cần phải có những "tiến triển hợp lý" trong ba lĩnh vực chính gồm quyền công dân, vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, và nghĩa vụ tài chính mà Anh phải thực hiện khi rời EU. Như vậy mới có thể tiến tới các cuộc đàm phán về quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, Anh lại muốn bắt đầu đàm phán song song giai đoạn hai càng sớm càng tốt, với lý lẽ là việc giải quyết những cấn đề "chia tách" không thể tách rời việc định hình "mối quan hệ tương lai."
Trong lịch trình đàm phán "lạc quan" đưa ra ban đầu, ông Barnier từng mong muốn có thể khởi động cuộc đàm phán về các mối quan hệ thương mại trong tương lai vào mùa Thu, tuy nhiên thời gian này đang ngày càng trở nên bất khả thi bởi tiến độ chậm chạp của tiến trình đàm phán.
Nước Anh đang trong giai đoạn "đếm ngược" để rời EU vào cuối tháng 3/2019 sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Sáu năm ngoái. Để tránh một cuộc ra đi không có trật tự, các quan chức EU và Anh đã thống nhất gặp nhau mỗi tháng bốn ngày tại Brussels để thảo về các điều khoản Brexit trước khi quyết định các bước tiếp theo vào tháng 10 tới, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU./.