EU trước các thách thức của khủng hoảng kinh tế do COVID-19

Pháp, Italy, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan đã ra tuyên bố chung, kêu gọi EU đưa ra các biện pháp bổ sung giúp hoàn thiện các kế hoạch phục hồi kinh tế của các quốc gia thành viên.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 20/4 của công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey của Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi tại châu Âu do tác động của khủng hoảng kinh tế vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Để hỗ trợ các nền kinh tế quốc gia, các lãnh đạo châu Âu sẽ phải đưa ra nhiều đề xuất và cần phải thống nhất về một giải pháp chung tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 23/4.

Cũng trong báo cáo nêu trên, McKinsey dự báo 1/4 số việc làm tại châu Âu có thể bị mất đi do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế vì đại dịch COVID-19.

Có tới 59 triệu lao động có thể bị mất việc do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này.

Hỗ trợ các kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia

Để đối phó với tình hình này, nhiều biện pháp đã được triển khai tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), như tăng cường hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Theo nhật báo Opinion của Pháp, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết ở quy mô châu Âu hiện có khoảng 3.200 tỷ euro (3.473 tỷ USD) tiền mặt đã được các quốc gia huy để nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

[EU giới hạn nội dung hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19]

Tuy nhiên, những hỗ trợ này chưa đủ để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Năm quốc gia thành viên EU là Pháp, Italy, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan đã ra tuyên bố chung, kêu gọi EU đưa ra các biện pháp bổ sung giúp hoàn thiện các kế hoạch phục hồi kinh tế của các quốc gia thành viên.

Cũng theo năm quốc gia thành viên EU này, điều tối quan trọng đối với nền kinh tế các quốc gia thành viên là các công cụ của EU cần được huy động để bổ sung cho các công cụ tài chính triển khai ở quy mô quốc gia.

Một trong số các biện pháp này của châu Âu đang được thực hiện. Đặc biệt, ngày 9/4, các bộ trưởng tài chính các quốc gia thành viên EU đã thông qua một kế hoạch phục hồi kinh tế chung với 540 tỷ euro (586 tỷ USD), kế hoạch vẫn sẽ cần phải những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia thành viên thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra ngày 23/4.

Theo Tổng Giám đốc của Cơ chế Bình ổn châu Âu - Quỹ cứu trợ khẩn cấp của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), EU sẽ cần phải bổ sung thêm 500 tỷ euro hỗ trợ khẩn cấp dành cho các nền kinh tế đang gặp khủng hoảng.

Còn theo Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni, nỗ lực phục hồi kinh tế của EU cần phải được huy động nhiều hơn nữa: "Tổng cộng khoảng 1.500 tỷ euro (1.628 tỷ USD) mới có thể đủ để các quốc gia thành viên EU vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 này."

Cần một sự đoàn kết của các nước thành viên EU

Vì vậy, ở quy mô EU, các lãnh đạo các quốc gia thành viên EU cần thống nhất về sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi kinh tế.

Theo nhật báo Opinion, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cũng đã nhấn mạnh: "Điều mấu chốt là tìm ra các giải pháp của châu Âu, vì các quốc gia thành viên EU sẽ phải cùng nhau vượt qua khủng hoảng này."

Vấn đề là phải thống nhất được mức chi phí và cách vận hành của quỹ giải quyết khủng hoảng.

Mặc dù các bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU ngày 9/4 đã đạt được thỏa thuận, nhưng những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên vẫn bị "chia rẽ về vấn đề phối hợp giữa các quốc gia trong phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng."

Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha muốn tạo ra một quỹ tài trợ đoàn kết thông qua khoản nợ tương trợ, Hà Lan lại từ chối việc này.

Chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 23/4 về việc thiết lập một quỹ 1.500 tỷ euro để giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế do đại dịch COVID-19.

Theo đề xuất này nếu được thành lập, quỹ này sẽ được EU huy động qua phát hành "trái phiếu Corona" và các khoản tiền sẽ được chuyển tới mỗi quốc gia chứ không bị coi như một khoản nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục