EU-Trung Quốc bên bờ vực chiến tranh thương mại

Cuộc "khẩu chiến" giữa EU, Trung Quốc về trợ cấp sản phẩm công nghệ cao thêm căng thẳng, nguy cơ leo thang thành cuộc chiến thương mại.
Cuộc "khẩu chiến" giữa các bộ trưởng thương mại Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc xung quanh việc trợ cấp cho sản phẩm công nghệ cao ngày càng thêm căng thẳng trong bối cảnh tranh cãi giữa hai bên có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại.

Phát biểu bên lề cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh ở Brussels (Bỉ) hôm 31/5, Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht cho biết cả hai bên đang nỗ lực cùng giải quyết vấn đề, nếu không, sẽ phải đưa ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, sau đó ông De Gucht  nói rằng ông không có ý định đề cập tới vai trò trọng tài của WTO, mà trong phạm vi quyền hạn của mình, EU có thể áp dụng các công cụ bảo hộ mậu dịch (TDIs) để ngăn chặn những gì mà họ cho là có trợ cấp không công bằng.

Theo ông Caren, nếu áp dụng TDIs, EU sẽ hành động trên cơ sở luật pháp và những chứng cứ rõ ràng.

Phản ứng lại tuyên bố của ông De Gucht, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cảnh báo rằng trong thời kỳ khủng hoảng, các bên cần tránh lạm dụng những công cụ bảo hộ mậu dịch.

Ông nhấn mạnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã nhất trí sẽ không đưa ra bất cứ biện pháp hạn chế mậu dịch mới nào, và cách thức giải quyết những khác biệt là thảo luận một cách hòa bình trước khi "tiểu sự biến thành đại sự".

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU, nhưng lại là đối tác xuất khẩu lớn nhất vào thị trường châu Âu.

Ông Trần Đức Minh cam kết Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ châu Âu để cân đối mậu dịch song phương trong bối cảnh Eurozone đang đối mặt với khủng hoảng nợ công.

Tranh cãi giữa hai bên bắt nguồn từ những cáo buộc rằng Trung Quốc trợ cấp cho các tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE để có thể bán phá giá trước các đối thủ cạnh tranh châu Âu.

Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao EU, vấn đề này có thể nhạy cảm đối với Đức liên quan tới tập đoàn Siemens.

Ông Trần Đức Minh nhấn mạnh rằng liên doanh Nokia-Siemens hiện đang chiếm một thị phần rất lớn ở Trung Quốc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục