EU triển khai mạnh nhiều biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế thành viên

EU sẽ triển khai sáng kiến đầu tư trị giá 37 tỷ euro nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trước tác động của dịch bệnh COVID-19 và cho phép các nước linh hoạt tối đa về chi tiêu và trợ cấp.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ở Brussels,Bỉ, ngày 8/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tác động tới hoạt động sản xuất, thương mại và kinh tế trong nước, nhiều nước châu Âu đã thông qua nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 13/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ triển khai sáng kiến đầu tư có trị giá 37 tỷ euro như một trong những biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trước tác động của dịch bệnh COVID-19.

EC cũng sẽ áp dụng một số biện pháp khác, trong đó có việc cho phép các nước thành viên "linh hoạt tối đa" về chi tiêu và trợ cấp.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Italy sau khi quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nhiều nhất này công bố chi 25 tỷ euro để phòng chống dịch COVID-19, vi phạm các nguyên tắc về thâm hụt ngân sách và nợ công của EU.

Bên cạnh đó, EU cũng sẽ dành thêm 1 tỷ euro trong ngân sách để đảm bảo khoản vay lên tới 8 tỷ euro cho 100.000 công ty hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, bán lẻ, vận tải và những ngành khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

[Dịch COVID-19: Doanh nghiệp toàn cầu đối mặt với khối nợ khủng]

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Olaf Scholz cùng ngày thông báo, chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ không giới hạn chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Phát biểu tại Berlin, Bộ trưởng Scholz nhấn mạnh Chính phủ Đức sẽ sử dụng mọi công cụ cần thiết để bảo vệ người lao động và các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Peter Altmaier cũng khẳng định với các biện pháp "không giới hạn về thanh khoản," Chính phủ Đức sẽ không để người lao động mất việc làm và "không để một doanh nghiệp hoạt động tốt nào bị phá sản vì COVID-19."

Trong số các biện pháp được thông qua, có việc giãn thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo Bộ trưởng Altmaier, Chính phủ Đức quyết định hỗ trợ 550 tỷ euro (khoảng 614 tỷ USD) cho các công ty mới khởi nghiệp, nhiều hơn khoản 500 tỷ euro được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi đó, Quốc hội Liên bang Đức cũng nhất trí thông qua việc hỗ trợ tiền rút ngắn giờ làm để các doanh nghiệp cũng như người lao động có thể "phòng vệ" tốt hơn trước những hậu quả về kinh tế của dịch bệnh.

Hội đồng liên bang (Thượng viện) cũng sẽ nhanh chóng thông qua mức hỗ trợ này trong ngày và sau đó lập tức có hiệu lực. Các biện pháp này đều đã được Chính phủ Đức và thủ hiến các bang thông qua trong cuộc họp tối 12/3.

Tại Pháp, ngày 13/6, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tuyên bố chính phủ "sẽ làm mọi điều cần thiết" để hỗ trợ các doanh nghiệp, với số tiền ước tính lên tới hàng chục tỷ euro.

Theo phóng viên TTXVN tại Pairs, phát biểu trên truyền hình tối 12/3, Tổng thống Emmanuel Macron đã đề cập tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Ông khẳng định rằng người lao động và các doanh nghiệp sẽ được bảo vệ "bằng mọi giá." Cụ thể, các doanh nghiệp được phép hoãn nộp các loại thuế và các khoản đóng góp xã hội.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Le Maire, biện pháp này sẽ có hiệu lực "cho đến khi kết thúc cuộc khủng hoảng".

Một cơ chế trợ giúp thất nghiệp đặc biệt được triển khai, theo đó chính phủ chịu trách nhiệm thanh toán khoản bồi thường cho người lao động buộc phải nghỉ việc ngắn hạn.

Số tiền bồi thường là 85% lương sau thuế, cho dù người lao động nhận mức lương bao nhiêu. Mục tiêu là nhằm giúp các doanh nghiệp không mất nhân viên và có thể phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảng.

Sau hàng loạt cuộc họp thời gian qua với liên đoàn giới chủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Bộ Kinh tế Pháp quyết định tăng cường hệ thống hỗ trợ tài chính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thông qua Ngân hàng Đầu tư công BPI, chính phủ sẽ bảo lãnh các khoản vay ngân hàng cho các công ty vừa và nhỏ, lên mức 90% chứ không chỉ 70% như trước đó.

Dự kiến, các điều khoản của một quỹ đoàn kết "dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ nhất đang thiếu vốn" sẽ được công bố vào đầu tuần sau./.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 12/3 thông báo một loạt các biện pháp cụ thể để đối phó với khủng hoảng y tế do COVID-19, làm đảo lộn các thị trường chứng khoán châu Âu, như giảm lãi suất chỉ đạo.

Trong khi đó, Vương quốc Anh đã thông báo một kế hoạch 30 tỷ bảng Anh để hỗ trợ kinh tế nước này trước tác động của COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục