EU tìm công cụ mới chống lại tác động của Đạo luật giảm lạm phát Mỹ

Các bộ trưởng tài chính EU dự kiến sẽ thảo luận về gói ngân sách trị giá 369 tỷ USD của Mỹ để chống lạm phát, trong đó có hỗ trợ triển khai xe điện và các ngành công nghệ sạch khác.
EU tìm công cụ mới chống lại tác động của Đạo luật giảm lạm phát Mỹ ảnh 1Hoạt động sản xuất ôtô. (Nguồn: CNBC)

Chủ tịch Nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Paschal Donohoe cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên thảo luận về các công cụ chung mới để chống lại tác động của gói ngân sách khổng lồ cho công nghệ sạch của Mỹ và tăng cường khả năng cạnh tranh của liên minh này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 16/1, ông Donohoe nêu rõ: “Cần phải có cuộc thảo luận và đánh giá các công cụ như vậy."

Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính EU dự kiến sẽ thảo luận về gói ngân sách trị giá 369 tỷ USD của Mỹ để chống lạm phát, trong đó có hỗ trợ triển khai xe điện và các ngành công nghệ sạch khác, với những ưu đãi nhằm vào sản xuất ở Mỹ.

[Mỹ đáp ứng lợi ích của đồng minh khi thực thi Đạo luật giảm lạm phát]

EU cũng đang xem xét một số thay đổi đối với các quy tắc hỗ trợ nhà nước để chống lại việc di dời đầu tư và việc làm, đồng thời đang nghiên cứu nguồn tài trợ chung để giúp các quốc gia thành viên có ít không gian tài chính hơn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: “Chúng ta phải hành động nhanh chóng để bảo vệ lợi ích và bảo vệ doanh nghiệp của mình. Đây cũng là cơ hội để củng cố khả năng cạnh tranh ở châu Âu của chúng ta trong tương lai."

Tháng 8/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), một kế hoạch chi tiêu trị giá 369 tỷ USD bao gồm các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng mặt trời.

IRA được coi là thỏa thuận lịch sử về khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch của Mỹ năm 2022. Đây là khoản đầu tư tích cực nhất cho khí hậu mà Quốc hội Mỹ từng thực hiện và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải trong thập kỷ này, đưa nước Mỹ tới nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050.

Mặc dù vậy, các đối tác thương mại của Mỹ ở châu Âu và châu Á đang lo ngại đạo luật này sẽ khiến các ngành cần nhiều vốn đầu tư của họ lâm vào cảnh khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục