Để đối phó với việc Nga cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Liên minh châu Âu (EU), đầu tuần tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra biện pháp ổn định thị trường.
Theo thông báo chính thức của EU, ngày 14/8, tại thủ đô Brussels (Bỉ), EC đã có cuộc họp trao đổi quan điểm đầu tiên với chuyên gia đến từ các nước thành viên EU về những tác động có thể và các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động từ lệnh cấm nhập khẩu mà Nga đưa ra tuần trước.
Ủy viên phụ trách nông nghiệp EU Dacian Ciolos cho biết các bên đã nhất trí trước hết cần tập trung vào những sản phẩm thuộc diện "đặc biệt khẩn cấp," như một số loại rau quả dễ bị thối hỏng ở những vùng đã đến vụ thu hoạch trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này "biến mất đột ngột" mà chưa thể tìm ngay được một thị trường thay thế rõ ràng.
Ngoài ra, EC cũng sẽ thiết lập một cơ chế giám sát thị trường tăng cường và sẽ tiếp tục tiến hành họp hàng tuần với các nước thành viên EU trong giai đoạn khẩn cấp này.
EC đã yêu cầu các nước thành viên cung cấp chi tiết dữ liệu thị trường mới nhất để cơ quan này có thể kịp thời cập nhật thông tin và có những đánh giá đầy đủ về tình trạng thị trường trong các khu vực chịu tác động từ lệnh cấm của Nga.
Hiện EC đã đưa ra phân tích sơ bộ về các khu vực chính bị ảnh hưởng từ lệnh cấm trên. Bản phân tích đầy đủ sẽ sớm được hoàn tất để làm cơ sở cho các phiên thảo luận chính trị tiếp theo về vấn đề này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Áo Andrae Rupprechter cùng ngày cho biết từ khi Moskva áp dụng lệnh cấm, ngành nông nghiệp và thực phẩm Áo ước tính đã thiệt hại gần 6 triệu USD.
Ông Rupprechter cho biết lệnh cấm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mặt hàng được sản xuất và dán nhãn để xuất sang thị trường Nga, hiện đang nằm trong kho hoặc thậm chí đang trên đường tới nước này.
Ngoài ra, mức thiệt hại trên còn chưa tính đến những tác động tiêu cực khác như sự hạ giá mạnh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Áo, phái đoàn nước này tham gia cuộc họp tại Brussels đã đề xuất một loạt yêu cầu, như kêu gọi thúc đẩy bán hàng nông sản ở những nơi như bệnh viện và trường học, các chương trình hỗ trợ thực phẩm ở những khu vực khủng hoảng, giới thiệu các thiết bị chuyên dụng để bảo quản sản phẩm thịt lợn kết hợp với hỗ trợ nhà sản xuất trong quá trình chế biến thịt lợn.../.