EU tìm cách củng cố vị thế của mình trong không gian vũ trụ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự định kêu gọi thực hiện một bước nhảy vọt trong bối cảnh mới về cạnh tranh toàn cầu khốc liệt trên các quỹ đạo.
EU tìm cách củng cố vị thế của mình trong không gian vũ trụ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: euractiv.com)

Nhật báo "Les Echos" cho biết không gian đang trở thành một lĩnh vực cạnh tranh quốc tế đáng kinh ngạc với khoảng 143 dự án đã được công bố về các chòm sao vệ tinh phục vụ quan sát hoặc thông tin liên lạc, tất cả đều nằm ở quỹ đạo thấp, tức là cách Trái Đất dưới 1.000km.

Đây là cuộc cạnh tranh của cả khối tư nhân - GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) là những nhà tài trợ hàng đầu trong lĩnh vực này - và khối nhà nước, với các lợi ích quân sự ngày càng được khẳng định bởi các cường quốc.

Cuộc cạnh tranh cũng có thể kết thúc chóng vánh nếu có vụ va chạm trong không gian dù là nhỏ nhất...

Liên minh châu Âu (EU) với 27 nước thành viên đã nhóm họp để chính thức xác định vị thế của mình trong bối cảnh mới, từ lâu đã được dành cho hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi thực hiện một bước nhảy vọt trong bối cảnh mới về cạnh tranh toàn cầu khốc liệt trên các quỹ đạo.

[Năm 2022 hứa hẹn có nhiều sự kiện thú vị trong không gian]

Ngày 15/2, tại Brussels, Ủy ban châu Âu đã thảo luận hai dự án, một là đề xuất với EU để tài trợ cho một chòm sao kết nối không gian chung, và dự án còn lại để soạn thảo các quy tắc giao thông không gian một cách nhanh nhất có thể, tạo sự đột phá để lan tỏa trên thế giới mà không phải chờ đợi hàng thập kỷ cho việc đàm phán vô ích tại Liên hợp quốc.

Do đó, Ủy ban châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua ngay kế hoạch khởi động cơ sở hạ tầng không gian chung lớn thứ ba, sau các vụ phóng hệ thống định vị vệ tinh Galileo để định vị địa lý và mạng lưới quan trắc môi trường Copernicus vào những năm 2000.

Thông qua trao đổi, Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi các quốc gia áp dụng cách hành xử có trách nhiệm để tránh rủi ro va chạm trong không gian, gây nguy hiểm cho hoạt động khám phá không gian.

Về khía cạnh này, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa đặt câu hỏi về tính an toàn của chòm sao Starlink của SpaceX.

Thời của "Galileo"

Ngày 16/2, các bộ trưởng EU phụ trách không gian nhóm họp tại Toulouse.

Cuộc họp có sự tham dự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tại đó, Tổng thống đã thuyết phục sự chấp thuận của nhóm 27 nước thành viên đối với chòm sao vệ tinh "Breton" mới, theo cách gọi của các nhà công nghiệp trong lĩnh vực này liên quan đến người ủng hộ nó, Cao ủy châu Âu về Thị trường nội địa Thierry Breton.

"Chòm sao Breton" này đáp ứng hoàn toàn mối quan tâm của Tổng thống Pháp nhằm củng cố "chủ quyền" của EU.

“Chòm sao Breton” chắc chắn sẽ giúp châu Âu lấp đầy những vùng trắng bằng cách cung cấp Internet ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, nhưng trên hết là tăng cường khả năng phục hồi truy cập Internet cho EU, đặc biệt trong trường hợp có một cuộc tấn công mạng hoặc tình trạng bão hòa của sợi cáp quang trên mặt đất.

Dự án phải bao gồm các công nghệ mã hóa tốt nhất để đảm bảo viễn thông của chính phủ không thể bị tấn công, khi mà các công nghệ lượng tử sắp sửa ra đời đe dọa đến việc mã hóa dữ liệu.

Thierry Breton lập luận: "Bây giờ là thời điểm hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Galileo của châu Âu phải hoạt động như một chòm sao đa quỹ đạo có kết nối an toàn."

Xây dựng nguồn tài chính công-tư

Tuy nhiên, hiện vẫn còn phải chờ xem liệu dự án này có được đa số ủng hộ hay không. Nghị sỹ châu Âu Christophe Grudler tin tưởng vào điều này… với điều kiện là bài toán ngân sách được giải quyết.

Thierry Breton đề xuất một gói ngân sách 6 tỷ Euro được chia thành ba phần bằng nhau, gồm 2 tỷ do Ủy ban châu Âu tài trợ và một khoản như vậy do các quốc gia tham gia đóng góp và gói thứ ba tương tự được huy động từ các nhà công nghiệp.

Pháp sẵn sàng chi 500 triệu Euro lấy từ ngân sách 1,5 tỷ của kế hoạch phục hồi được phân bổ cho lĩnh vực không gian.

Tuy nhiên, vấn đề tài chính và khoản đối ứng của các đối tác công nghiệp đang dấy lên sự tranh cãi.

Đặc biệt việc Anh rời khỏi châu Âu khiến cho chương trình Copernicus hụt đi một khoản trị giá khoảng 700 triệu euro theo kế hoạch.

Cho đến nay, Đức ủng hộ cho Copernicus nhiều hơn là cho "chòm sao Breton," dự án mà nước này cho rằng quá ưu ái đối với ngành công nghiệp vệ tinh của Pháp...

Cuộc họp ở Toulouse là phép thử để kiểm tra xem liệu các quốc gia thành viên có thể vượt qua được các cuộc tranh cãi của họ để EU không bị đẩy ra khỏi không gian hẹp, quỹ đạo thấp, nơi mà Mỹ và Trung Quốc đang chiếm giữ, thậm chí là thuộc địa hóa nó.

Cũng trong cuộc họp này, câu hỏi về tương lai của châu Âu trong việc chở người vào không gian cũng đã được đặt lên bàn nghị sự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thuyết phục nhóm 27 quốc gia để có thể đưa các phi hành gia của mình vào vũ trụ trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục