EU tiếp tục kéo dài chiến dịch tuần tra trên Địa Trung Hải

Chiến dịch Sofia của Lực lượng Hải quân EU trên Địa Trung Hải được triển khai từ năm 2015 nhằm chống lại hoạt động buôn người ở Địa Trung Hải ngoài khơi Libya.
EU tiếp tục kéo dài chiến dịch tuần tra trên Địa Trung Hải ảnh 1Tàu chở người di cư được cứu trên biển Địa Trung Hải cập cảng ở Catania, Italy ngày 21/3/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm quy mô hoạt động tuần tra trên biển của chiến dịch Sofia của Lực lượng Hải quân EU trên Địa Trung Hải (EUNAVFOR MED), song sẽ tăng cường hoạt động tuần tra trên không nhằm đối phó với nạn buôn người di cư trên vùng biển này.

Hai quan chức ngoại giao châu Âu cho hay đây là một phần trong thỏa thuận mang tính thỏa hiệp giữa các nước EU tại cuộc họp diễn ra ngày 27/3 tại Brussels (Bỉ) liên quan đến việc tiếp nhận người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải.

Theo thỏa thuận này, EU sẽ kéo dài chiến dịch Sofia, vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/3 tới, thêm 6 tháng nữa.

Tuy nhiên, EUNAVFOR MED sẽ không triển khai hoạt động tuần tra bằng tàu trên biển, thay vào đó là tăng cường các cuộc tuần tra trên không và hợp tác với Libya trong việc ngăn chặn nạn buôn người di cư qua Địa Trung Hải để vào châu Âu.

Một quan chức ngoại giao châu Âu nhận định duy trì chiến dịch Sofia của EUNAVFOR MED là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh chính phủ dân túy tại Italy bất đồng với EU về chính sách giải quyết người di cư.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, các nước EU đã gia hạn chiến dịch Sofia của EUNAVFOR MED trên Địa Trung Hải thêm 3 tháng - đến ngày 31/3/2019.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nước EU vẫn bế tắc trong giải quyết vấn đề người di cư.

[EC chỉ trích Hungary bóp méo sự thật về vấn đề người di cư]

Theo thống kê của Liên hợp quốc, gần 2.300 người đã thiệt mạng hồi năm ngoái trên hành trình vượt Địa Trung Hải tìm đường vào châu Âu.

Trong năm 2015 đã có hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đến châu Âu, thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn hơn 140.000 người trong năm 2018.

Bất đồng giữa các nước EU xuất phát từ việc Italy kiên quyết không cho phép tàu cứu người di cư trên biển cập cảng nước này, và muốn các nước EU khác chia sẻ gánh nặng trên với Rome, đồng thời giải quyết yêu cầu xin tị nạn của những người này ngay khi đặt chân lên đất liền.

Trong khi đó, các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Pháp và Đức chưa có dấu hiệu sẵn sàng tiếp nhận thêm người di cư.

Chiến dịch Sofia của EUNAVFOR MED được triển khai từ năm 2015 nhằm chống lại hoạt động buôn người ở Địa Trung Hải ngoài khơi Libya. Ngoài ra, chiến dịch cũng bao gồm hoạt động huấn luyện các lực lượng an ninh Libya nhằm tăng cường an ninh vùng biển Libya và hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Quốc gia Bắc Phi này vẫn là điểm đầu mà người di cư từ châu Phi lựa chọn để tìm cách đến châu Âu trên hành trình vượt biển bằng những con thuyền chật chội, cũ kỹ của những kẻ buôn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục