EU tiếp tục hoãn áp dụng các quy tắc ngân sách mới trong năm 2021

Theo quy định, các quốc gia thuộc Eurozone sẽ phải trình dự thảo ngân sách năm 2021 cho EC trước ngày 15/10 tới để EC xem xét nhằm đảm bảo phù hợp với các quy tắc của EU.
EU tiếp tục hoãn áp dụng các quy tắc ngân sách mới trong năm 2021 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: swissinfo)

Ngày 5/10, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni công bố EU sẽ tiếp tục đình chỉ áp dụng các quy định về giới hạn vay nợ chính phủ trong năm 2021, trong bối cảnh 27 quốc gia thành viên đang phải nỗ lực thoát khỏi tình trạng suy thoái do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu sau cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Gentiloni cho biết tuần trước Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi thư tới các Bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU để đưa ra những hướng dẫn khi các quốc gia đang lên kế hoạch ngân sách cho năm 2021.

Các điều khoản chung về thoát khủng hoảng sẽ vẫn có hiệu lực cho năm 2021 và chính sách tài khóa sẽ tiếp tục hỗ trợ mục tiêu phục hồi kinh tế, cả ở cấp khu vực đồng euro cũng như tại từng quốc gia thành viên.

Theo quy định, các quốc gia thuộc Eurozone sẽ phải trình dự thảo ngân sách năm 2021 cho EC trước ngày 15/10 tới để EC xem xét nhằm đảm bảo phù hợp với các quy tắc của EU.

Ông Gentiloni khuyến cáo các chính phủ cần thận trọng lựa chọn các biện pháp tài chính muốn sử dụng để duy trì sự phục hồi và các giải pháp được sử dụng phải nhắm đúng mục tiêu và mang tính tạm thời.

[Lĩnh vực bán lẻ châu Âu chật vật vượt qua đại dịch COVID-19]

Ông cũng nhấn mạnh có sự khác biệt giữa chính sách tài khóa để giải quyết tình trạng khẩn cấp với chính sách nhắm tới sự phục hồi lâu dài. Sự linh hoạt và tính kịp thời là chìa khóa trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách tài khóa cho năm 2021.

Đầu năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế EU vẫn trong tình trạng suy thoái, EC - cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các quy tắc tài khóa của EU - đã tạm đình chỉ quy định của EU về việc các nước thành viên phải giữ mức thâm hụt dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giảm nợ công hằng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục