EU tiếp tục cuộc chiến pháp lý với Ba Lan về cải tổ tư pháp

EC nêu rõ cơ quan này ủng hộ quan điểm rằng những thay đổi trên có thể làm suy yếu nguyên tắc độc lập của tòa án, trong đó có vai trò bất di bất dịch của các thẩm phán.
(Nguồn: Getty Images)

Ngày 2/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở hồ sơ pháp lý mới nhằm vào Ba Lan do lo ngại những thay đổi mà Warsaw áp dụng với Tòa án Tối cao nước này có thể làm suy yếu tính độc lập của cơ quan này cũng như tính thượng tôn pháp luật, 2 nguyên tắc chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU).

Theo kế hoạch, từ ngày 3/7, Ba Lan sẽ chính thức áp dụng luật mới cắt giảm 1/3 số thẩm phán Toàn án Tối cao trừ khi có lệnh đặc biệt từ Tổng thống Andrzei Duda.

Trong một thông báo, EC nêu rõ cơ quan này ủng hộ quan điểm rằng những thay đổi trên có thể làm suy yếu nguyên tắc độc lập của tòa án, trong đó có vai trò bất di bất dịch của các thẩm phán.

EC cho Ba Lan thời hạn một tháng để phản hồi về quyết định mở hồ sơ pháp lý mới của EC.

Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz khẳng định những gì quốc gia này đang làm ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng đắn, bộ luật này hiện có tính ràng buộc do đó Ba Lan sẽ không thay đổi.

Ông này cũng khẳng định sẽ tranh luận trước Tòa án Tối cao châu Âu rằng việc thay đổi bộ máy tư pháp là trách nhiệm của chính phủ mỗi quốc gia.

EC đã nhiều lần chính thức phản đối một số thay đổi mà Chính phủ Ba Lan thực hiện với hệ thống pháp lý nước này kể từ khi đảng Pháp luật và Công lý (PiS) lên cầm quyền từ năm 2015 vì cho rằng những thay đổi này làm suy yếu nền dân chủ.

EU cũng đã mở cuộc điều tra về tính thượng tôn pháp luật tại Ba Lan, bước đi được cho là có thể dẫn tới những biện pháp trừng phạt nhằm vào Vácsava.

Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra bởi một trong những đồng minh thân cận của Ba Lan và cũng là một thành viên của EU là Hungary cam kết sẽ bỏ phiếu phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Ba Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục