Trong nỗ lực tìm kiếm phương thức chữa trị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ đẩy nhanh việc tài trợ cho việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bằng huyết tương được thu thập từ những người đã bình phục.
Theo một tài liệu được hãng tin Reuters công bố ngày 9/7, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chấp hành của EU, đã mời các cơ quan huyết học-truyền máu quốc gia đăng ký nhận tài trợ khẩn cấp trước ngày 10/7 nhằm giúp họ thu thập thêm nhiều huyết tương từ những bệnh nhân mắc COVID-19 đang trong giai đoạn phục hồi.
Các khoản tài trợ này có thể được sử dụng để mua trang thiết bị để thu thập, lưu trữ và xét nghiệm huyết tương giai đoạn phục hồi (convalescent plasma). Khoản tiền này có thể được trích từ Quỹ khẩn cấp mang tên Công cụ hỗ trợ khẩn cấp (ESI) trị giá 2,7 tỷ euro (3 tỷ USD).
["Bùng nổ" thị trường chợ đen mua bán huyết tương bệnh nhân COVID-19]
Việc sử dụng ESI có thể cho phép giải ngân các khoản tài trợ trong năm nay. Thông thường, các dự án tài trợ của EU được lên kế hoạch trước vài năm.
Cho tới nay, ESI chỉ được sử dụng cho các vấn đề nhạy cảm cao, như mua khẩu trang khan hiếm vào thời điểm đỉnh dịch COVID-19 ở châu Âu và tăng năng lực sản xuất vắcxin tại châu Âu.
Động thái trên của EU cho thấy cách tiếp cận quyết đoán hơn mà khối liên minh gồm 27 quốc gia đang thực hiện trong cuộc đua tìm phương thuốc điều trị hiệu quả và vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19.
Tháng Tư vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức ra khuyến cáo về phương pháp truyền huyết tương của người đã mắc COVID-19 đang trong giai đoạn hồi phục cho những bệnh nhân mới mắc đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo WHO, từ thế kỷ trước, giải pháp tạo miễn dịch thụ động đã được áp dụng để phòng ngừa và điều trị một số bệnh truyền nhiễm ở người.
Huyết tương của bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi là lựa chọn điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết Argentina.
Những năm gần đây, liệu pháp này cũng được sử dụng để điều tị cho bệnh nhân mắc Ebola, SARS, MERS và cúm H1N1.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thử nghiệm lâm sàng này đều cho những kết quả khả quan.
Trong cuộc chiến chống virus Ebola, việc sử dụng huyết tương từ người khỏi bệnh lại không cho thấy hiệu quả.
Đối với dịch COVID-19, kinh nghiệm về việc sử dụng giải pháp điều trị này vẫn còn hạn chế, song những kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy giải pháp tiềm năng.
Phương pháp này cũng đang được nghiên cứu như một cách thức để ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2, khi các kháng thể được chiết xuất từ huyết tương người khỏi bệnh có thể được truyền sang để nâng cao hệ miễn dịch của những người dễ bị tổn thương.
Đây cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới chưa điều chế được vắcxin ngừa căn bệnh nguy hiểm này./.