EU thúc đẩy cải cách bản quyền nội dung đăng tải trên mạng

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/6, Ủy ban các vấn đề pháp lý của Nghị viện châu Âu đã ủng hộ 2 nội dung gây tranh cãi trong gói cải cách bản quyền kỹ thuật số liên quan sử dụng và đăng tải thông tin.
EU thúc đẩy cải cách bản quyền nội dung đăng tải trên mạng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Inferse)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/6, Ủy ban các vấn đề pháp lý của Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ 2 nội dung gây tranh cãi nhất trong gói cải cách bản quyền kỹ thuật số liên quan sử dụng và đăng tải thông tin.

Trong dự thảo chỉ dẫn về bản quyền, Điều khoản 11 về "Bảo vệ các ấn phẩm báo chí liên quan đến sử dụng trực tuyến" quy định việc trích dẫn nội dung báo chí phải được bên xuất bản cho phép sử dụng nội dung này. Điều khoản này đã được ủy ban trên thông qua với 13 phiếu thuận và 12 phiếu chống.

[Liên minh châu Âu bất đồng về luật bản quyền thông tin]

Trong khi đó, Điều khoản 13 quy định "Việc sử dụng nội dung được bảo vệ bởi nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ nội dung trên mạng," theo đó nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những hành vi vi phạm bản quyền của người sử dụng, như vậy nhà cung cấp dịch vụ phải tạo ra những công cụ theo dõi và sàng lọc tất cả những nội dung tải lên có thể gây hiệu ứng xấu. Điều khoản này được thông qua với 15 phiếu thuận và 10 phiếu chống,

Toàn thể Nghị viện EU sẽ phải bỏ phiếu về các cải cách trên, đồng thời đại diện các nước thành viên trong Hội đồng EU cũng sẽ phải bỏ phiếu về các cải cách trước khi chỉ dẫn có thể trở thành luật. Hiện đa số chính phủ các nước châu Âu dường như ủng hộ các đề xuất cải cách này.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng về văn bản trên có thể sẽ diễn ra tại EP trước cuối năm.

Liên quan đến Điều 13, EC - cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo cải cách bản quyền - đã thúc đẩy các nền tảng trực tuyến hướng tới sàng lọc nội dung như một cơ chế chống các nội dung mang tính khủng bố, theo đó đề ra "quy định một giờ" để gỡ bỏ loại nội dung này hồi đầu năm nay.

Một số nghị sĩ EP phản đối các điều khoản trên, cho rằng các quy định có thể ảnh hưởng xấu đến các tiêu chí về Internet như quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng.

Tuần trước, một nhóm gồm các kiến trúc sư internet, kỹ sư tin học, viện sĩ hàn lâm cũng gửi thư ngỏ lên Chủ tịch EP với cảnh báo rằng Điều 13 quy định các nền tảng internet tự động sàng lọc tất cả các nội dung do người dùng đăng tải là "một bước tiến tới chuyển Internet từ một nền tảng mở và sáng tạo thành công cụ để giám sát tự động và kiểm soát người sử dụng."

Trong khi đó, một số tập đoàn xuất bản báo chí đã hoan nghênh Điều 11 trong dự thảo trên, cho rằng sự hữu dụng của Internet ngang bằng với sự hữu dụng của nội dung đăng tải.

Theo đó, quyền của bên xuất bản sẽ là chìa khóa để khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các nội dung chuyên nghiệp, đa dạng, được kiểm chứng thực tế và tất cả mọi người điều được hưởng lợi từ điều này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục