EU thông qua chiến lược giải quyết cuộc khủng hoảng Syria

Hội đồng Ngoại trưởng EU nhấn mạnh cuộc xung đột tại Syria đã tác động trực tiếp đến EU, do đó liên minh này cần phát triển một chiến lược đặc biệt.
Người tị nạn Syria tại châu Âu. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua chiến lược giải quyết cuộc nội chiến tại Syria. Đây là nội dung tuyên bố của Hội đồng Ngoại trưởng EU trong cuộc họp ngày 3/4 tại Luxembourg.

Trong tuyên bố trên, Hội đồng Ngoại trưởng EU nhấn mạnh cuộc xung đột tại Syria đã tác động trực tiếp đến EU, do đó liên minh này cần phát triển một chiến lược đặc biệt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Chiến lược của EU tập trung vào 6 nhiệm vụ then chốt, gồm chấm dứt cuộc nội chiến bằng con đường chuyển tiếp chính trị theo Nghị quyết 2254 của Liên hợp quốc; thúc đẩy quá trình chuyển tiếp toàn diện và có ý nghĩa theo nghị quyết này và Thông cáo Geneva; hỗ hợ nhân đạo cho người dân Syria, thúc đẩy dân chủ, quyền con người thông qua việc củng cố cộng đồng dân cư tại Syria, truy cứu trách nhiệm đối với những kẻ phạm tội ác chiến tranh nhằm hỗ trợ quá trình thống nhất dân tộc và xét xử trong giai đoạn chuyển tiếp; và giữ gìn sự bền vững của nhân dân và xã hội Syria.

Ngoài ra, Hội đồng Ngoại trưởng EU cũng thông qua các quy định mới nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu 4 loại kim loại gồm thiếc, tantali, vonfram và vàng để có nguồn tài chính cho các cuộc xung đột vũ trang.

Theo quy định này, các công ty thu mua các kim loại kể trên cần phải báo cáo với chính quyền về nguồn gốc của chúng, đồng thời bảo đảm rằng các nhóm vũ trang hoạt động tại các điểm nóng trên thế giới không nhận được tiền từ việc bán các loại kim loại này. Quy định này cần được đưa vào áp dụng từ tháng 1/2021.

Bên cạnh đó, tuyên bố trên còn nêu rõ EU sẵn sàng đóng góp vào quá trình khôi phục Syria nhưng chỉ sau khi quốc gia Trung Đông này bắt đầu tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Cụ thể, EU có thể xem xét lại các biện pháp trừng phạt hiện nay, khôi phục hợp tác với chính quyền chuyển tiếp, hỗ trợ tài chính quá trình tái thiết, đặc biệt là các di sản văn hóa, và áp dụng các biện pháp thích hợp trong khuôn khổ chính sách láng giềng của EU và các chương trình khác nhằm đối phó những thách thức nảy sinh trong quá trình chuyển tiếp.

Cuộc khủng hoảng tại Syria là chủ đề chính trong cuộc họp của 28 Ngoại trưởng các nước thành viên EU ngày 3/4 tại Luxembourg. Cuộc họp diễn ra trước thềm Hội nghị quốc tế về Syria dự kiến trong 2 ngày 4-5/4 tới tại Brussels, Bỉ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục