EU: Thỏa thuận với Anh giúp đỡ người dân và doanh nghiệp ổn định

Ông Michel Barnier nhận định thỏa thuận thương mại mà EU vừa đạt được với Anh là sự cứu cánh và đảm bảo sự ổn định cho người dân cũng như các doanh nghiệp của cả hai bên.
EU: Thỏa thuận với Anh giúp đỡ người dân và doanh nghiệp ổn định ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier nhận định, thỏa thuận thương mại mà EU vừa đạt được với Anh là sự cứu cánh và đảm bảo sự ổn định cho người dân cũng như các doanh nghiệp của cả hai bên.

Trả lời đài phát thanh Franceinfo, ông Barnier khẳng định EU và Anh đã cùng thực hiện lời hứa thúc đẩy Brexit có trật tự và thỏa thuận đạt được 1 tuần trước hạn chót đã mang lại phần nào sự ổn định. Tuy nhiên, ông Barnier cho rằng vẫn còn một số yếu tố quyết định quan hệ tương lai của EU với Anh, bao gồm hợp tác chính sách đối ngoại.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, thỏa thuận thượng mại giữa Anh và EU xóa bỏ nỗi lo ngại kéo dài 4 năm rưỡi qua về Brexit không thỏa thuận, nhưng các thị trường tài chính Anh sẽ phải mất nhiều năm để hàn gắn "vết thương" do Brexit.

[Các nước EU 'bật đèn xanh' cho triển khai thỏa thuận hậu Brexit]

Trên thực tế, rủi ro Brexit không thỏa thuận đã đè nén triển vọng tăng trưởng và đầu tư của Anh kể từ tháng 6/2016 - thời điểm người dân Anh bỏ phiếu để quyết định rời EU - khu vực có kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên tới 1000 tỷ USD mỗi năm.

Các nhà phân tích đang hối thúc giới đầu tư thu mua cổ phiếu bị định giá thấp của Anh, trong khi nhiều người cho biết họ đã mua vào đồng bảng Anh - hiện đang ở mức cao nhất trong 2 năm rưỡi qua (tỷ lệ hiện nay là 1 bảng Anh đổi được 1,35 USD).

Giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ kết thúc vào ngày 31/12 tới. Kể từ sau thời điểm này, mối quan hệ giữa hai bên sẽ thay đổi theo hướng hạn chế hơn nhiều so với hiện tại.

Thỏa thuận giữa Anh và EU sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan. Theo đó, Anh là nền kinh tế duy nhất ngoài EU được tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở như vậy.

Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng các quyền như khi là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu. Kể từ ngày 1/1/2021, các hàng rào kiểm soát biên giới và chốt hải quan sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục