Theo trang mạng DW, cuối cùng Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Thỏa thuận Đối tác và Hợp tác (PCA) với Thái Lan, thỏa thuận thứ 6 với một quốc gia Đông Nam Á, khi cả hai bên tìm cách hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt sau cuộc đảo chính quân sự ở Bangkok 8 năm trước.
Ra đời trong bối cảnh EU có tham vọng tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á, còn Thái Lan đang tìm cách đa dạng hóa các liên kết thương mại, thỏa thuận vừa ký cũng sẽ tạo động lực cần thiết cho cả hai bên để bắt đầu lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do đầy đủ.
Dù vẫn đang chờ ký kết chính thức, PCA cải thiện mối quan hệ song phương về nhiều vấn đề, từ nhân quyền đến chống khủng bố.
[Xu hướng ''vũ khí hóa'' các hiệp định thương mại tự do]
EU coi đây là một bước tiến nữa trên con đường thúc đẩy quan hệ với các nước ở Đông Nam Á, một khu vực ngày càng quan trọng về mặt kinh tế và địa chính trị đối với khối.
Các cuộc đàm phán cho Hiệp định thương mại tự do EU-Thái Lan (ETFTA) đã được khởi động vào tháng 3/2013 nhưng bị đình trệ sau cuộc đảo chính quân sự ở Bangkok vào tháng 5/2014.
Sau đó quan hệ song phương rơi vào băng giá trong vài năm. Cuộc đảo chính cũng làm chững lại thỏa thuận PCA ban đầu - hạn chế hơn so với một thỏa thuận thương mại tự do hoàn toàn - vốn đã được đồng ý vào năm 2013.
Thoả thuận đối tác trở lại bàn đàm phán
Cuối năm 2019, Hội đồng châu Âu, cơ quan ra quyết định chính của EU, đã "bật đèn xanh" để khởi động lại các cuộc đàm phán chính thức một lần nữa sau cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan, mà tại đó các nhà lãnh đạo quân sự nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014 giành chiến thắng.
Vòng đàm phán chuẩn bị đầu tiên cho PCA sửa đổi đã bắt đầu vào tháng 7/2021. PCA đã được kết luận sau cuộc họp thứ bảy vào tháng 6/2022. Hai bên cũng đã gia hạn các cuộc đàm phán liên quan đến ETFTA khả thi.
Trong một tuyên bố, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) chịu trách nhiệm về các chính sách đối ngoại và quốc phòng của EU, cho biết: "PCA sẽ tăng cường đối thoại chính trị về các vấn đề quan tâm toàn cầu và sẽ mở rộng phạm vi hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực chính sách."
Tuyên bố cũng khẳng định đó sẽ là một lộ trình định hình tích cực cho mối quan hệ EU-Thái Lan trong những năm tới.
Phó giám đốc điều hành của EEAS Paola Pampaloni và Phó thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Chulamanee Chartsuwan đã khép lại quá trình đàm phán cho thỏa thuận PCA vào ngày 2/9.
Đại sứ EU tại Thái Lan David Daly cho biết văn kiện này đang chờ các thủ tục thể chế từ EU và Thái Lan và sẽ được ký chính thức vào một thời điểm sau đó.
Thỏa thuận đôi bên cùng có lợi
Guillaume Rebiere, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kinh doanh và Thương mại châu Âu tại Thái Lan, cho biết PCA là một "phương tiện quan trọng để tăng cường đối thoại trong lĩnh vực kinh tế và thương mại."
Theo số liệu của EU, trao đổi thương mại song phương giữa EU và Thái Lan đã tăng lên 35,4 tỷ euro (35,16 tỷ USD) vào năm 2021, từ con số 29,3 tỷ euro năm trước đó.
EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Thái Lan, sau Nhật Bản. Theo ông Rebiere, Thái Lan là một đối tác thương mại và chính trị quan trọng, do đó, thỏa thuận này cũng rất giá trị trong việc tăng cường vai trò của EU tại khu vực Đông Nam Á. Cả doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ được khuyến khích nhờ thỏa thuận này.
Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á mới nổi tại ngân hàng Natixis (Pháp), đánh giá thỏa thuận có ý nghĩa đối với cả hai bên.
Bà nói thêm: "Thỏa thuận sẽ báo hiệu một sự thúc đẩy quan hệ giữa hai bên vì cả hai đều sẵn sàng và mong muốn làm việc với nhau hơn để đa dạng hóa các nguồn tăng trưởng và đầu tư."
Đa dạng hóa đối tác
Thái Lan lâu nay vẫn phụ thuộc vào ngành du lịch rộng lớn của mình. Tuy nhiên, sự sụt giảm du khách Trung Quốc kể từ sau đại dịch COVID-19 đã buộc nước này phải suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào Bắc Kinh và tìm các nguồn tăng trưởng khác.
Thái Lan cũng nhận thức được sự cần thiết của việc tìm kiếm các liên kết thương mại với Mỹ và Trung Quốc, hai trong số các đối tác chính của nước này.
Theo chuyên gia Trinh Nguyen, mở rộng khả năng tiếp cận thương mại và đầu tư với EU, khối kinh tế lớn nhất thế giới, là một phần của chiến lược đó.
Về phía EU, khối này cũng nóng lòng "bắt tay" với Thái Lan trong quá trình tìm cách đa dạng hóa khỏi Trung Quốc khi rủi ro địa chính trị gia tăng, chưa kể Brussels ngày càng coi Bắc Kinh là một đối thủ cạnh tranh.
Bà Trinh Nguyen nói thêm rằng: "Việc EU sẵn sàng đàm phán với Thái Lan thông qua ký kết hiệp định khung là một phần của nỗ lực thắt chặt hơn mối quan hệ không chỉ với Thái Lan mà còn với phần còn lại của Đông Nam Á và cả Ấn Độ."
Vào tháng 12 tới, EU và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo quốc gia lần đầu tiên tại Brussels, một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai khối nhân kỷ niệm 45 năm thành lập trong năm nay.
Tiếp theo sẽ là một thỏa thuận thương mại tự do?
Kết luận của PCA cũng có thể chỉ ra rằng cả hai bên đang tiến gần hơn tới một hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nếu có, đây sẽ là hiệp định thứ ba mà EU ký kết với một quốc gia Đông Nam Á sau các thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Singapore và Việt Nam.
Theo Đại sứ Daly, hiện không có mối liên hệ tức thời nào giữa PCA và tiến trình FTA.
Tuy nhiên, bà Trinh Nguyen nhận định xét theo cách EU đã đàm phán các FTA với các nước châu Á khác, mốc thời gian sẽ gợi ý rằng một thỏa thuận thương mại với Thái Lan sẽ tiếp nối PCA.
Ví dụ, Việt Nam đã ký một PCA tương tự với EU vào năm 2015, bốn năm trước khi FTA mang tính bước ngoặt của họ được thông qua. "Chúng ta vẫn còn những rào cản khác phải vượt qua nhưng chắc chắn (một FTA) đã gần hơn," bà nói thêm.
Trong khi đó, Bryan Tse, nhà phân tích hàng đầu về Thái Lan tại Economist Intelligence, cho rằng FTA sẽ được ký trong khoảng thời gian 2024- 2026 trừ phi chính trị "cản trở."
Chính trường Thái Lan hiện đang ở thế bấp bênh sau khi Tòa án Hiến pháp nước này hôm 24/8 ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ thủ tướng của ông Prayuth Chan-o-cha để xem xét liệu ông có vượt quá giới hạn nhiệm kỳ 8 năm theo Hiến pháp quy định hay không. Ông Prayuth là người đứng đầu quân đội nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.
Ông Tse cho rằng so với Trung Quốc, Mỹ hoặc các thành viên ASEAN thì EU và Thái Lan không đặc biệt gần gũi về mặt kinh tế. Vì vậy, đây là một chiến thuật đa dạng hóa cho cả hai bên và phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Nam Á về thương mại toàn cầu đối với các nước khác.
Cũng theo ông Tse, trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc-phương Tây đang âm ỉ cũng như cú sốc COVID-19 đối với các chuỗi cung ứng quan trọng thì khu vực Đông Nam Á vẫn là một trong những nơi năng động nhất về kinh tế trên toàn cầu./.