Ngày 7/7, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức tuyên bố Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về việc chi tiêu quá mức ngân sách của chính phủ.
Đây là bước đi đầu tiên hướng tới những hình phạt chưa từng có tiền lệ đối với các thành viên của khối này.
Trong tuyên bố, EC cho rằng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ không sửa chữa được thâm hụt ngân sách quá mức của các nước này vào thời hạn chót.
Theo EC, trong hai năm 2014 và 2015, cả hai nước này đều có các mức thâm hụt ngân sách lớn hơn giới hạn 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của EU.
Nếu các bộ trưởng tài chính của EU xác nhận thông tin trên, EC sẽ áp đặt hình phạt đối với hai quốc gia láng giềng vốn chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính này. Theo đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có nguy cơ bị phạt tới 0,2% GDP và đình chỉ tham gia các quỹ của EU, nếu hai nước này không chứng minh được rằng các quy định của EU bị vi phạm do "những hoàn cảnh kinh tế ngoại lệ."
Phản ứng trước thông cáo của EC, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cảnh báo rằng EU sẽ làm gia tăng sự hoài nghi đối với châu Âu tại nước này nếu áp đặt trừng phạt Lisbon.
Trong bức thư gửi EC, ông Costa nhấn mạnh những hậu quả của cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh và tác động của nó đối với EU cho thấy EC cần kiềm chế trong việc thực thi các quy định của liên minh này./.