EU tập trung mũi nhọn về chính trị và kinh tế vào khu vực Mỹ Latinh

Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell vạch ra lộ trình nhằm đạt được một số thỏa thuận tự do thương mại và hiệp định đối tác với các nước Mỹ Latinh sớm nhất có thể.
EU tập trung mũi nhọn về chính trị và kinh tế vào khu vực Mỹ Latinh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theglobalamericans)

Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đang ưu tiên việc hoàn tất thỏa thuận Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur)-Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo sẽ được trình bày vào ngày 7/6, EC cũng nhấn mạnh rằng hai khu vực châu Mỹ Latinh và châu Âu nên nỗ lực giảm "phụ thuộc quá mức" vào các nước thứ ba.

EU đang tập trung mũi nhọn về chính trị và kinh tế vào Mỹ Latinh để đảm bảo quyền tiếp cận ưu tiên đối với các nguồn tài nguyên của khu vực này - đặc biệt là nguyên liệu thô, xác định vùng này là một đồng minh thân cận tiềm năng trong bối cảnh đối mặt với "những thách thức địa chính trị ngày càng tăng," chủ yếu do cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong thông báo trên, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell vạch ra lộ trình nhằm đạt được một số thỏa thuận tự do thương mại và hiệp định đối tác với các nước Mỹ Latinh sớm nhất có thể, cũng như thúc đẩy quan hệ song phương với Mexico và Brazil.

[Mercosur và EU đẩy nhanh quá trình đàm phán hiệp định FTA]

Trước đó, ngày 9/3, vòng đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa khối Mercosur và EU đã kết thúc sau 2 ngày nhóm họp tại thủ đô Buenos Aires của Argentina - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Mercosur.

Cuộc đàm phán xoay quanh 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó các bên nhất trí tăng cường đối thoại và đẩy nhanh lịch trình các vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được sớm nhất có thể một thỏa thuận thương mại cân bằng và cùng có lợi.

EU và Mercosur - với các thành viên là Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, đã đạt được một thỏa thuận khung về FTA hồi năm 2019 sau hai thập kỷ đàm phán khó khăn.

Tuy nhiên, văn kiện này đến nay vẫn chưa được phê chuẩn do châu Âu lo ngại về tình trạng tàn phá rừng Amazon, cũng như những hoài nghi về chính sách đối phó với tình trạng biển đổi khí hậu dưới thời của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (2019-2023).

Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu có ngành nông nghiệp mạnh, chẳng hạn như Pháp, không muốn mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh từ Khối Thị trường chung Nam Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục