EU tăng cường hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Đại sứ-Trưởng phái đoàn EU tại Việt NamBruno Angelet cho biết EU mong muốn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển xanh và thân thiện với môi trường.
Đoàn viên thanh niên trồng rừng tại khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cùng Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo: “Hành động của Liên minh châu Âu về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.”

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Đại sứ-Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet và đại diện đại sứ quán các nước: Anh, Pháp, Đức, Italy… tại Việt Nam cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Bruno Angelet đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam trong ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu thời gian qua.

Đại sứ Bruno Angelet nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt với nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân cũng như mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, EU mong muốn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển xanh và thân thiện với môi trường.

Vừa qua, EU đã quyết định dành cho Việt Nam gói viện trợ trị giá 400 triệu euro, trong đó hơn 300 triệu Euro dùng cho các dự án phát triển ngành năng lượng bền vững, mở đầu là dự án cấp điện nông thôn, đảm bảo cho những người nông dân nghèo có thể tiếp cận với năng lượng điện, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, EU sẽ tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cùng các nhà tài trợ khác để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu cảm ơn Phái đoàn EU tại Việt Nam, cùng đại sứ quán các nước thành viên đã phối hợp tổ chức hội thảo; cho rằng đây là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng diễn ra trong bối cảnh các bên đang khẩn trương đàm phán xây dựng Thỏa thuận khí hậu toàn cầu cho giai đoạn sau năm 2020, dự kiến sẽ thông qua tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris, Pháp vào cuối tháng 11 này.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng các chính sách cũng như thực hiện nhiều hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, điển hình là Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2013; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2011; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012 và Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác trong ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm một số thành viên của EU như: Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Italy và Pháp…

Thứ trưởng mong muốn, EU cùng các nước thành viên với năng lực của mình tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực để góp phần giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các chính sách cũng như hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam Rémi Lambert đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến tiến trình đàm phán, công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Pháp đối với Hội nghị COP 21.

Ông Rémi Lambert khẳng định, Chính phủ Pháp sẽ huy động tất cả các lực lượng, tăng cường công tác an ninh để bảo đảm an toàn cho đại biểu các nước tham dự Hội nghị COP 21.

Nhân dịp này, các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi với báo chí về các chương trình, dự án hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ của EU cùng các quốc gia thành viên đối với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ năm 1990, EU cùng các quốc gia thành viên bắt đầu tham gia hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội.

Giai đoạn 2007-2013, EU đã viện trợ cho Việt Nam gần 300 triệu Euro để phát triển y tế, hỗ trợ thương mại và du lịch... Mới đây, EU tiếp tục quyết định dành cho Việt Nam khoản viện trợ 400 triệu Euro để hỗ trợ phát triển ngành năng lượng bền vững, tăng cường quản trị và pháp quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục