EU tạm thời đình chỉ sứ mệnh huấn luyện ở Mali sau đảo chính

Liên minh châu Âu đã tạm thời đình chỉ 2 sứ mệnh huấn luyện quân đội và cảnh sát của Mali vốn là một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm ổn định tình hình ở Mali.
Binh sỹ EU tham gia huấn luyện cho quân đội và cảnh sát Mali. (Nguồn: eutmmali.eu)
Binh sỹ EU tham gia huấn luyện cho quân đội và cảnh sát Mali. (Nguồn: eutmmali.eu)

Ngày 26/8, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đã đình chỉ các các sứ mệnh huấn luyện tại Mali sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita.

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức EU cho biết khối này đã tạm thời đình chỉ 2 sứ mệnh huấn luyện quân đội và cảnh sát của Mali vốn là một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm ổn định tình hình ở Mali và mở rộng thẩm quyền của nhà nước.

Theo đó, 2 sứ mệnh trên chỉ dành để ủng hộ "các chính quyền quốc gia hợp pháp." Quan chức này cho biết EU có thể sẽ cộng tác với Liên hợp quốc dần nối lại hoạt động huấn luyện nếu một chính phủ chuyển tiếp được thành lập tại Mali.

Theo các nguồn tin trên, cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng EU ở Berlin, dự kiến trong ngày 26/8, cũng sẽ thảo luận về tình hình tại Mali.

[Đức, Anh và Pháp tiếp tục duy trì quân đội tại Mali bất chấp đảo chính]

Trước đó, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) ngày 25/8 đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali.

Quyết định được đưa ra một ngày sau khi các phái viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và chính quyền quân sự thông báo không thể nhất trí được khung thời gian để khôi phục chế độ dân sự ở Mali. OIF sẽ cử một phái đoàn cấp cao tới Mali trong những ngày tới.

Các binh sỹ nổi dậy ở Mali đã bắt giữ Tổng thống Keita và các thành viên khác của Chính phủ Mali sau cuộc binh biến ngày 18/8, trong bối cảnh quốc gia này đang phải gồng mình chống chọi với hoạt động nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan và sự bất bình của người dân đối với chính quyền.

Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse hiện đang bị giam giữ tại căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô thủ đô Bamako.

Hiện tại, ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên, đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại và ngăn chặn các dòng tài chính từ các nước trong khối đến Mali.

Nhiều nước phương Tây cũng đã lên án cuộc đảo chính tại Mali, trong khi Mỹ đã thông báo đình chỉ viện trợ quân sự, bao gồm không đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng quân sự tại Mali./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục