EU tái khẳng định không đàm phán lại với chính phủ sắp tới tại Anh

Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định EU sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Brexit trong bối cảnh quan ngại dâng cao về khả năng người kế nhiệm Thủ tướng Anh Theresa May sẽ gia tăng sức ép với EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) tới dự cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, Bỉ, ngày 28/5/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 28/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ không tái đàm phán thỏa thuận đưa Anh rời khỏi liên minh này (Brexit) trong bối cảnh quan ngại dâng cao về khả năng người kế nhiệm Thủ tướng Anh Theresa May sẽ gia tăng sức ép với EU.

Phát biểu với báo giới trước khi tham gia cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels (Bỉ), ông Juncker cho biết sẽ có cuộc gặp ngắn với bà May nhưng khẳng định chắc chắn rằng sẽ không có chuyện đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cho biết ông tin rằng nguy cơ Brexit không thỏa thuận đang ngày một gia tăng vì có khả năng người lãnh đạo mới thay thế bà May sẽ cố gắng chối bỏ thỏa thuận đã đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.

[Mega Story] Ngổn ngang câu hỏi Brexit sau sự ra đi của Thủ tướng May

Những tuyên bố mới của các nhà lãnh đạo EU được đưa ra trong bối cảnh tương lai tiến trình Brexit ngày càng mờ mịt sau khi Thủ tướng May tuyên bố kế hoạch từ chức vào đầu tháng 6 tới, mở đường cho cuộc đua tìm người thay thế bà lãnh đạo nước Anh và đảng Bảo thủ cầm quyền.

Hôm 28/5, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, một trong các ứng viên thủ tướng, cho rằng việc theo đuổi Brexit không thỏa thuận sẽ kết liễu tương lai chính trị của đảng cầm quyền, đồng thời khẳng định sẽ tìm cơ hội tái đàm phán và tiến tới một thỏa thuận mới với EU, bắt đầu bằng việc thành lập một đội ngũ đàm phán bao gồm nhiều thành phần, nếu được lựa chọn.

Trong khi một số ứng viên khác như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson hay cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab thì cho rằng Anh nên chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 31/10 tới. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới khi tới Brussels tham dự cuộc họp kể trên , bà Theresa May tuyên bố ra đi với một thỏa thuận là phương án tối ưu để Brexit diễn ra một cách trật tự.

Dù là ai thay thế bà May cũng đều phải chấp nhận một thực tế rằng thỏa thuận Brexit mà EU khẳng định là tốt nhất và duy nhất chắc chắn sẽ không được Quốc hội hiện tại ở Anh thông qua sau 3 lần bác bỏ. Điều mà những người kế nhiệm bà May cần phải làm là tìm ra giải pháp cho vấn đề đường biên giới trên đảo Ireland vốn là điểm gây tranh cãi lớn nhất trong thỏa thuận Brexit hiện tại.

Theo điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận này, Anh sẽ phải tuân thủ một số qui định của EU cho tới khi nào hai bên đàm phán xong thỏa thuận thương mại nhằm tránh thiết lập biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Nhiều nghị sỹ ủng hộ Brexit phản đối vì cho rằng điều khoản này khiến Anh bị ràng buộc với EU "vô thời hạn."

Những diễn biến trên khiến nội bộ chính trường Anh rối như tơ vò nhưng với EU, về mặt nào đó lại mang lại tác động tích cực như lời Chủ tịch EU Donald Tusk phát biểu sau cuộc họp tại Brussels rằng Brexit "quanh co" là liều vaccine phòng ngừa "dịch bệnh" bài EU lây lan trên toàn châu Âu.

Phát biểu trước báo giới, ông Tusk nhận định trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, hầu hết cử tri EU đã thể hiện sự ủng hộ cho một liên minh hoạt động hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn và gắn kết hơn.

Trên thực tế, vì người dân ủng hộ EU nhiều hơn nên các đảng bài EU cũng đã hạn chế sử dụng các khẩu hiệu chống liên minh và tự gọi mình là những người cải cách EU.

Ông này cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các cử tri EU ủng hộ liên minh chính là từ những bài học họ rút ra được khi nhìn vào tiến trình Brexit hỗn loạn hiện tại. Ông Tusk cũng cho biết trong cuộc họp, các lãnh đạo EU đã không thảo luận về vấn đề Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục