EU "sờ gáy" thỏa thuận thuế giữa Ireland và Apple

EU "sờ gáy" thỏa thuận thuế doanh nghiệp giữa Ireland và Apple

Một cuộc điều tra của EU về thỏa thuận áp dụng thuế doanh nghiệp giữa Ireland và Apple đang làm tăng sức ép đối với việc siết chặt hệ thống thuế doanh nghiệp gây tranh cãi tại nước này.

Một cuộc điều tra của EU về thỏa thuận áp dụng thuế doanh nghiệp giữa Ireland và Hãng sản xuất điện thoại và thiết bị di động Apple (Mỹ) đang làm tăng sức ép đối với việc siết chặt hệ thống thuế doanh nghiệp gây tranh cãi.

Chính sách thuế doanh nghiệp được cho là nhân tố giúp Ireland vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng vừa qua.

Theo các chuyên gia, dư luận quan tâm đến vấn đề trên sẽ ủng hộ bất kỳ sự thay đổi nào trong dự thảo ngân sách của Ireland dự kiến trình lên Quốc hội nước này trong tuần tới.

Cuộc điều tra của EU đang hướng sự chú ý của dư luận vào chính sách thuế của Ireland, sau khi phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ hồi năm 2013 từng cho rằng Ireland đang đóng vai trò là một "thiên đường thuế," góp phần tạo cơ hội cho những doanh nghiệp đa quốc gia trốn thuế.

Apple, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi năm 2013, cho biết đã chịu mức thuế doanh nghiệp khá thấp tại Ireland là 2% và một chi nhánh của hãng tại Ireland nộp 10 triệu USD tiền thuế trên doanh thu 22 tỷ USD năm 2011. Trước những chỉ trích mạnh mẽ về chính sách thuế của Ireland tạo thuận lợi “quá đà” và “bóp méo” các quyết định đầu tư, Ireland và Apple khẳng định thỏa thuận thuế giữa hai bên không phải là hình thức hỗ trợ chính phủ bất hợp pháp theo các quy định cạnh tranh của EU.

Tuy vậy, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đánh giá sơ bộ cho rằng thỏa thuận áp dụng mức thuế trên mà các cơ quan quản lý thuế Ireland với Apple từ năm 1991 (và sau đó được điều chỉnh vào năm 2007) đã mang lại cho Apple lợi thế không công bằng và là hình thức hỗ trợ chính phủ bất hợp pháp.

Trong thời gian qua, chiến lược của Ireland nhằm thu hút các doanh nghiệp rót vốn và tham gia hoạt động kinh doanh tại thị trường nước này cũng là mục tiêu của sự chỉ trích thường xuyên của một số quốc gia EU, nhất là Pháp – vốn cho rằng chính sách thuế của Ireland đang làm giảm sút nguồn thu thuế cũng như vốn đầu tư rót vào các nước EU khác.

Hiện tại, hơn 1.000 công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Ireland với hơn 285.000 lao động trực tiếp và gián tiếp, một con số lớn đối với quốc gia chỉ có 4,5 triệu dân cho thấy điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi Ireland đang tiếp tục nỗ lực duy trì đà hồi phục kinh tế sau khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục