Ngày 24/4, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, cho biết EU sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Sudan, mặc dù hàng loạt quốc gia thành viên gấp rút sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân ra khỏi quốc gia Bắc Phi này.
Phát biểu trước thềm hội nghị Ngoại trưởng EU, ông Borrell nhấn mạnh: "Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị. Không thể để tình hình ở Sudan bùng nổ vì điều đó sẽ gây ra những chấn động trên toàn châu Phi".
Theo ông Borrell, cuối tuần qua, hơn 1.000 công dân EU đã được sơ tán khỏi Sudan. Ngoài ra, 21 nhân viên ngoại giao thuộc phái bộ EU tại Khartoum đã rời nước này. Đại sứ EU tại Sudan vẫn đang có mặt ở quốc gia Bắc Phi, nhưng không còn ở thủ đô Khartoum.
Trong ngày 23/4, sân bay chính tại thủ đô Khartoum là điểm nóng giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RFS). Sân bay này đang nằm dưới sự kiểm soát của RSF.
Hiện một số hoạt động sơ tán đang được tiến hành gấp rút tại thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ, cách Khartoum khoảng 850km.
Ngoài các quốc gia thông báo sơ tán công dân trong những đợt đầu tiên gồm Saudi Arabia (hơn 150 người), Mỹ (hơn 100 người), Pháp (khoảng 100), Anh, Italy.., mới đây Ai Cập tuyên bố đã đưa 436 công dân về nước an toàn bằng đường bộ.
Giới chức quốc gia Bắc Phi này xác nhận đã triển khai lực lượng an ninh tới biên giới giáp Sudan và phối hợp với chính quyền sở tại để đảm bảo cho hoạt động sơ tán công dân. Đức, Tây Ban Nha cũng thông báo mỗi quốc gia đã sơ tán được khoảng 100 người.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận bắt đầu triển khai chiến dịch tương tự, đưa khoảng 600 công dân về nước bằng đường bộ.
Tuy nhiên, kế hoạch đã phải hoãn lại tại một khu vực ở Khartoum sau khi xảy ra nhiều vụ nổ gần một nhà thờ Hồi giáo được chỉ định là điểm tập trung những người cần sơ tán.
Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra xác nhận công dân nước này đã được phía Pháp hỗ trợ sơ tán bằng máy bay. Một nhóm khác rời Khartoum bằng đường bộ trên một đoàn xe của Liên hợp quốc.
Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết đã điều động khoảng 140-150 binh sỹ sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân của nước này rời Sudan.
Về phần mình, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani thông báo trong khoảng 200 người mà Rome lên kế hoạch sơ tán, ngoài công dân Italy, còn có công dân Thụy Sĩ và các đại diện của Tòa thánh Vatican.
Phía Hy Lạp cho biết nhóm người sơ tán đầu tiên của nước này đã rời Sudan nhờ sự hỗ trợ của Pháp.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ireland nêu rõ chính phủ nước này đang triển khai 12 nhân viên quốc phòng tới Djibouti để hỗ trợ 150 công dân rời khỏi Sudan.
[Cảnh các quốc gia sơ tán khỏi chảo lửa Khartoum của Sudan]
Cũng trong ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Ghana thông báo Đại sứ quán Ghana tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan, cùng Lãnh sự quán danh dự Ghana tại Khartoum đang sắp xếp sơ tán công dân về nước.
Thông báo cho biết thêm một số công dân Ghana, đặc biệt là sinh viên, dù chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột, nhưng tất cả các công dân nước này ở Sudan đều an toàn.
Bộ Ngoại giao Jordan thông báo nước này cũng đang phối hợp với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia triển khai hoạt động sơ tán khoảng 300 người.
Liban cho biết 60 công dân nước này đã rời Khartoum bằng đường bộ trước khi được sơ tán về nước bằng đường biển.
Trong khi đó, Đại sứ quán Libya tại Khartoum cho biết đã đưa 83 công dân rời khỏi thủ đô của Sudan và tới thành phố Port Sudan. Phía Tunisia thông báo vào ngày 24/4 sẽ triển khai kế hoạch sơ tán những công dân nước này hiện còn ở Sudan.
Những quốc gia khác đang chuẩn bị kế hoạch sơ tán gồm có Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai nước Đông Bắc Á này đã triển khai các lực lượng tới các quốc gia lân cận Sudan.
Trong khi đó, Ấn Độ đã chỉ thị 2 máy bay của lực lượng không quân nước này tại Saudi Arabia luôn trong trạng thái sẵn sàng làm nhiệm vụ. Một tàu hải quân Ấn Độ cũng đã tới thành phố Port Sudan và kế hoạch sơ tán sẽ được triển khai tùy thuộc vào tình hình an ninh trên thực tế.
Quân đội Sudan cho biết đang phối hợp hỗ trợ sơ tán các nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong khi đó, Indonesia thông báo 43 công dân đang trú ẩn trong khuôn viên Đại sứ quán Indonesia ở Khartoum.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID), bà Samantha Power, thông báo cơ quan này đã triển khai một nhóm chuyên gia ứng phó thảm họa trong khu vực để điều phối hoạt động ứng phó nhân đạo khi giao tranh tại Sudan leo thang tuần thứ 2 liên tiếp.
Các chuyên gia đang làm việc với cộng đồng quốc tế và đối tác để xác định những nhu cầu ưu tiên và cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn.
Quan chức USAID cũng kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn trong ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, chấm dứt giao tranh và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả việc tạo điều kiện tiếp cận an toàn cũng như không cản trở các nhân viên y tế và nhân đạo.
Giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF từ ngày 15/4 đến nay đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến khoảng 420 người thiệt mạng, hơn 3.700 người bị thương và hàng triệu người Sudan mắc kẹt, không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản./.