Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier cảnh báo rằng còn nhiều việc phải làm trước khi có thể hoàn tất một thỏa thuận "ly hôn" với Anh.
Tuy nhiên, Brussesl vẫn quyết tâm đạt được một thỏa thuận với London.
Phát biểu ngày 7/11 trên trang mạng xã hội Twitter sau cuộc gặp với các quan chức Phần Lan, ông Barnier nêu rõ: "Rõ ràng là còn nhiều việc phải làm trong các cuộc đàm phán đưa Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit. Chúng tôi vẫn quyết tâm đạt được một thỏa thuận."
Trong khi đó, một nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán cho biết hội nghị thượng đỉnh EU có thể diễn ra vào tháng 12 tới, sau khi lãnh đạo châu Âu hoãn cuộc họp dự kiến trong tháng 11 này vì hai bên chưa đạt được tiến bộ trong đàm phán về đường biên giới Ireland.
Trước đó, ngày 7/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để tạo ra "bước đột phá." Ông Tusk tuyên bố các nước thành viên EU vẫn cần thời gian để soạn thảo nội dung thỏa thuận với Anh.
Theo kế hoạch, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 và Xứ sở Sương mù kỳ vọng rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ nhất trí đánh giá đàm phán Brexit đã đạt đủ tiến triển để hai bên có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 11 này, qua đó Anh và EU có thể hoàn tất "thỏa thuận ly hôn" và đưa ra tuyên bố về một mối quan hệ thương mại hậu Brexit.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh EU với Thủ tướng Anh Theresa May vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ) đã khép lại mà không đạt được tiến bộ. Lãnh đạo 27 nước EU quyết định tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11, với lý do Thủ tướng Anh đã không đưa ra được ý tưởng cụ thể mới nào nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay là vấn đề đường biên giới Ireland.
[Tòa án châu Âu ấn định thời điểm xét xử vụ kiện về đảo ngược Brexit]
Biên giới Ireland hiện là một trong những vấn đề gai góc cuối cùng trong tiến trình đàm phán Brexit. Cả Anh và EU đều thống nhất quan điểm cần tránh thiết lập một biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland và Ireland. Để đạt được mục đích trên, trưởng đoàn đàm phán EU Barnier đã từng đề xuất một giải pháp tạm thời gọi là "lưới an ninh" (backstop).
Trong thời gian kết thúc mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh, Bắc Ireland sẽ vẫn được điều chỉnh theo các tiêu chuẩn châu Âu để tránh việc kiểm soát hàng hóa với Cộng hòa Ireland, tức là Bắc Ireland vẫn đứng trong liên minh thuế quan. Tuy nhiên, London không chấp nhận điều này vì sẽ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ và vi phạm hiến pháp của nước Anh.
Trong bối cảnh Anh và EU vẫn bế tắc trong đàm phán Brexit, báo cáo do Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh công bố cùng ngày 24/10 cho thấy các doanh nghiệp Anh đã "cạn kiệt thời gian" để chuẩn bị đối phó với những hệ lụy của Brexit không thỏa thuận. Các doanh nghiệp không có đủ thời gian để thực hiện những thay đổi cần thiết cho kịch bản này. Trong khi đó, ước tính khoảng 145.000-250.000 công ty sẽ cần thực hiện các thủ tục khai báo hải quan lần đầu trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Theo báo cáo trên, tương lai không rõ ràng của các cuộc đàm phán đã cản trở các bước chuẩn bị của các doanh nghiệp, cũng như cả của chính phủ.
Báo cáo dẫn một số nghiên cứu của Chính phủ Anh từ tháng Bảy vừa qua nêu rõ đã quá trễ để đảm bảo tất cả các công ty sẵn sàng ứng phó với kịch bản Brexit không thỏa thuận. Có đến 11 trong số 12 dự án của chính phủ thay thế hoặc nâng cấp các hệ thống hiện có ở khu vực biên giới phục vụ các thủ tục kiểm tra hải quan gắt gao hơn có nguy cơ không được bàn giao đúng thời hạn để nghiệm thu./.