EU quy định chặt chẽ hơn về môi trường trong các thỏa thuận thương mại

EU ngày 22/6 thông báo sẽ áp đặt các quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ môi trường và quyền của người lao động trong các thỏa thuận thương mại trong tương lai.
EU quy định chặt chẽ hơn về môi trường trong các thỏa thuận thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/6 thông báo sẽ áp đặt các quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ môi trường và quyền của người lao động trong các thỏa thuận thương mại trong tương lai.

Động thái này được tiến hành trong bối cảnh EU đang nỗ lực hồi sinh tham vọng thương mại toàn cầu của khối.

Một số nước thành viên EU đang ngày càng tỏ ra thất vọng khi các cuộc đàm phán thương mại của liên minh này với các nước như Australia và Indonesia không đạt tiến triển, liên quan những nghi ngại về lợi ích của thương mại tự do ở một số nước nội khối.

Các ý kiến chỉ trích những thỏa thuận thương mại này cho rằng EU chưa thực sự đủ nỗ lực để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về quyền của người lao động hoặc để đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 trong các thỏa thuận thương mại.

Để xóa tan những ngờ vực nêu trên, Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ từ thời điểm này EC sẽ thực hiện quyền áp dụng thuế nhập khẩu đối với những quốc gia vi phạm các điều khoản trong các thỏa thuận thương mại, trong đó quy định về quyền của người lao động hoặc việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ủy viên phụ trách các vấn đề thương mại của EU - ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh: “Chúng ta cần đảm bảo rằng các cam kết về tính bền vững trong các thỏa thuận thương mại của EU không chỉ nằm trên giấy - chúng phải diễn ra trên thực tế. Do đó, nếu bạn ký hợp đồng với chúng tôi, chúng tôi cần có các công cụ để đảm bảo bạn sẽ thực hiện đúng những gì bạn đã nói."

[Hội đồng châu Âu đề nghị EU trao quy chế ứng viên cho Ukraine, Moldova]

Trong những năm gần đây, EU đang rất vất vả để có được sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên về các thỏa thuận thương mại, vốn từng là chính sách trọng tâm của khối.

Theo ông Valdis Dombrovskis, điều khoản trên sẽ phải được cả hai bên tham gia thỏa thuận thương mại cùng chấp nhận.

Đây có thể là một yêu cầu lớn đối với các quốc gia mà EU đang đàm phán, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, New Zealand và Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục