EU phân bổ 1,3 tỷ USD để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần

EU sẽ tập trung vào biện pháp phòng ngừa đầy đủ và hiệu quả, tiếp cận các dịch vụ điều trị và chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng cao với giá cả phải chăng và tái hòa nhập xã hội sau khi hồi phục.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Ngày 7/6, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ phân bổ cho 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tổng cộng 1,23 tỷ euro (1,3 tỷ USD) cho các sáng kiến đảm bảo sức khỏe tâm thần và đưa vấn đề sức khỏe tâm thần thành một trụ cột trong chính sách y tế của khối.

Trong một tuyên bố, Ủy viên châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cho biết đây là sự khởi đầu mới của phương pháp tiếp cận toàn diện và theo hướng phòng ngừa với sự tham gia của nhiều bên liên quan đến sức khỏe tâm thần ở cấp độ EU.

Bà Kyriakides nhấn mạnh EU cần loại bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử để những người gặp khó khăn có thể liên hệ và nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

EU sẽ tập trung vào biện pháp phòng ngừa đầy đủ và hiệu quả, tiếp cận các dịch vụ điều trị và chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng cao với giá cả phải chăng và tái hòa nhập xã hội sau khi hồi phục.

Một trong số những sáng kiến của EU là tăng cường bảo vệ cho trẻ em trước tác động của phương tiện truyền thông xã hội, phát động các chiến dịch vì sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, khởi động sáng kiến phòng chống tự tử và trầm cảm tại châu Âu, soạn thảo Bộ luật châu Âu về sức khỏe tâm thần và cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho người cao tuổi, người di cư và người tị nạn.

[Cảnh báo sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em]

Dữ liệu của EC cho thấy trước đại dịch COVID-19, các vấn đề sức khỏe tâm thần đã ảnh hưởng đến khoảng 84 triệu người, với chi phí kinh tế khoảng 600 tỷ euro/năm, tương đương 4% GDP của khối.

Tình hình đã xấu đi do đại dịch, xung đột tại Ukraine, mối lo ngại về biến đổi khí hậu và chi phí sinh hoạt gia tăng do lạm phát leo thang.

Tại một cuộc họp báo, Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas gọi vấn đề nhức nhối trên là “dịch bệnh thầm lặng” và là bài toán cần có lời giải của Liên minh Y tế châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục