Tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến tối 23/4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý xây dựng một Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 trị giá hơn 1.000 tỷ euro.
Sự đồng thuận đã giúp cuộc họp căng thẳng không kéo dài đến suốt đêm như một số dự đoán, tuy nhiên những chi tiết gây tranh cãi được gác lại tới mùa Hè.
Trong khuôn khổ một cuộc họp trực tuyến kéo dài 4 giờ, lãnh đạo các nước EU đã tập trung bàn thảo về một ngân sách chung lớn hơn cho giai đoạn 2021-2027 cùng một kế hoạch phục hồi kinh tế.
Với giá trị tương đương 1% sản lượng kinh tế của cả EU, ngân sách chung dài hạn từ lâu đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất giữa các nước thành viên.
[Dịch COVID-19: Lãnh đạo EU thông qua gói hỗ trợ 540 tỷ euro]
Trong tình hình hiện nay, việc đề xuất tăng ngân sách là điều không hề dễ dàng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, bất đồng vẫn tồn tại giữa các chính phủ EU về việc quỹ nên chuyển tiền trợ cấp, hay chỉ đơn giản là các khoản cho vay.
Ông Macron nói thêm nếu châu Âu tăng nợ thì điều đó sẽ không đáp ứng tới tầm phản ứng mà họ cần, và điều này có thể gây ảnh hưởng trầm trọng hơn đến các quốc gia mắc nợ nhiều như Italy, Bỉ hay Hy Lạp.
Châu Âu đang phải đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, điều đã dẫn đến việc đóng cửa biên giới trên toàn khối và khiến các quốc gia thành viên phải chật vật chiến đấu vì thiếu trang thiết bị y tế.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tụt giảm từ 5% đến 15%.
Kinh tế Eurozone năm 2020 được dự báo là sẽ giảm 5,4%, và điều này khiến năm 2020 trở thành mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đi vào sử dụng năm 1999.
Tuy nhiên, ECB vẫn lạc quan hơn nhiều so với Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi tổ chức này nói mức giảm có thể lên tới 7,5%.
Sau nhiều tuần tranh cãi, các nhà lãnh đạo đã phê duyệt kế hoạch giải cứu ngay lập tức trị giá 540 tỷ euro để bảo vệ công ăn việc làm, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và cung cấp các khoản vay ưu đãi dành cho các chính phủ các nước thành viên.
Thỏa thuận về gói giải cứu đã đạt được một cách khó khăn giữa các Bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone từ cách đây hai tuần.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng quỹ phục hồi sắp tới nên có quy mô là 1,5 nghìn euro và quỹ này cần cung cấp các khoản tài trợ cho các chính phủ EU để ngăn chặn các nền kinh tế sụp đổ kéo theo mối đe dọa đối với khả năng tồn tại của thị trường nội khối.
Trên trang Twitter của mình, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã đưa ra quan điểm ngược lại khi khẳng định Vienna sẵn sàng thể hiện sự đoàn kết nhưng điều này nên được thực hiện thông qua các khoản vay.
Ông Kurz cho biết sẽ phối hợp hành động với "các quốc gia cùng chí hướng" - ám chỉ các quốc gia phía Bắc giàu có nhưng thận trọng như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan - những nước phẫn nộ phải "trả tiền" cho các nền kinh tế phía Nam nghèo hơn và bị coi là "thiếu kỷ luật" trong quản lý tài chính.
Tây Ban Nha, một trong những nước thành viên của EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi đại dịch COVID-19, ủng hộ quan điểm của Italy cho rằng quỹ phải cung cấp các khoản tài trợ thay vì các khoản vay, trong khi lãnh đạo Pháp đã đưa ra ý tưởng về một quỹ có thể cho phép phát hành nợ chung của cả khối với hy vọng bản chất tạm thời của nó sẽ có thể xoa dịu những người phản đối.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel thể hiện lập trường hòa giải khi công khai kêu gọi một quỹ phục hồi quy mô lớn.
Bà Merkel tuyên bố mọi điều chỉ có thể tốt với nước Đức nếu điều đó đồng thời là tốt cho châu Âu.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp này, các nhà lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu (EC) trình bày các đề xuất chi tiết trước ngày 6/5.
Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen cho biết cho đến nay, các nước EU đã cung cấp các khoản viện trợ nhà nước trị giá tới 1,8 nghìn tỷ euro để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và Quỹ phục hồi mới sẽ có giá trị khoảng 1 nghìn tỷ euro.
Bà Von der Leyen cho hay giải pháp sẽ là tăng số tiền mà mỗi chính phủ EU có thể phải trả vào quỹ phục hồi nếu cần, mục tiêu có thể là nâng quỹ lên tới 2% Tổng thu nhập quốc nội (GNI) từ mức 1,2% hiện nay./.